Tin Quảng NamTin tức sự kiện

Phát triển bền vững chuỗi giá trị cây dược liệu đảng sâm của người Cơ Tu

Nằm trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, cây đảng sâm (hay còn gọi là hồng đẳng sâm) được mệnh danh là “thủ phủ” có từ bao đời nay của núi rừng vùng sơn cước phía Tây tỉnh Quảng Nam. Dược liệu này còn được sử dụng thay nhân sâm với nhiều công dụng tốt cho con người, như: tăng sức đề kháng, tốt cho hệ tim mạch, chống viêm, kháng khuẩn,…

       

                Đảng sâm trồng xen canh trong vườn nhà của đồng bào Cơ Tu

Năm 2016, Hội đồng Nhân dân tỉnh có Nghị quyết về bảo tồn cây dược liệu trên vùng đất Quảng Nam (Nghị quyết số220/2016-HĐND tỉnh Quảng Nam) cây đảng sâm được quy hoạch phát triển là một trong những cây dược liệu quý để vận động người dân trồng chủ lực. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tỉnh Quảng Nam đến năm 2030 còn đưa sản phẩm rượi đảng sâm vào danh mục sản phẩm OCOP. Người dân các xã A Xan, Tr’Hy, Ga Ri, Ch’Ơm của huyện Tây Giang mà phần lớn là đồng bào người Cơ Tu với sinh kế chính là từ việc trồng cây đảng sâm. Đảng sâm có 2 loại, đó là: đảng sâm rừng (mọc tự nhiên) và đảng sâm trồng. Ngày nay, với giá trị sử dụng cao nên dược liệu được trồng tại các vườn thảo dược và hộ gia đình. Hàm lượng dược chất của đảng sâm trồng nhân tạo cũng không có nhiều khác biệt với đẳng sâm rừng.

Với tiềm năng kinh tế và cơ hội phát triển bền vững, thông qua Hợp tác xã Nông nghiệp Dược liệu Tây Giang (có trụ sở tại thôn AGồng, xã A Tiêng) đã phối hợp Dự án Trường Sơn Xanh (Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, gọi tắt là USAID) hỗ trợ thành lập 3 nhóm đồng sở thích về trồng và khai thác cây dược liệu ở xã Gari, Axan và Ch’ơm, đồng thời tổ chức khóa tập huấn về kỹ thuật trồng và khai thác cây đảng sâm. Bên cạnh đó, USAID còn hỗ trợ một số trang thiết bị cho hệ thống nhà xưởng của Hợp tác xã bao gồm máy sấy, tủ bảo quản sản phẩm, máy thái dược liệu, máy đóng gói và hút chân không, máy sao khô và máy rửa dược liệu…                                           

  Hội LHPN tỉnh ra mắt mô hình trồng đảng sâm xen canh tại xã Ch’Ơm (2018)

Hội Liên hiệp Phụ nữ Quảng Nam, được sự hỗ trợ của USAID, Hội phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức 03 lớp tập huấn kỹ thuật trồng đảng sâm,  xây dựng 05 mô hình sinh kế cho Phụ nữ nghèo các xã vùng biên giới của tỉnh, trong đó có 02 mô hình hỗ trợ cho đồng bào trồng cây đảng sâm xen bắp nếp với 2 hec ta tại xã Ga Ri và Ch’Ơm. Đến nay mô hình đã tròn 2 năm, qua kiểm tra hầu hết đảng sâm phát triển tốt, khả năng đủ 3 năm (36 tháng) có thể thu hoạch. Thời điểm thích hợp nhất trong năm để thu hoạch là vào mùa đông, khi cây đã rụng hết lá hoặc có thể là đầu mùa xuân. Rễ và củ của cây thường nằm sâu trong lòng đất nên khi lấy cần đào rộng và sâu khoảng 1m để tránh đứt, gãy. Sau khi hái về đảng sâm được người dân rửa sạch, loại bỏ hết tạp chất, rồi mang đi bán hoặc một số hộ đem phơi khô. Lá Đảng sâm nấu canh với tôm, cua, thịt cho ta món canh thơm ngon, thanh mát; thân cây (chủ yếu là dây leo) hảm hoặc nấu nước uống giải nhiệt, rất tốt cho sức khỏe.

Với mục tiêu hỗ trợ sinh kế, cải thiện thu nhập cho người dân (trong đó có Phụ nữ) thông qua phát triển chuỗi giá trị cây đảng sâm và “Chương trình đồng hành cùng Phụ nữ biên cương, giai đoạn 2021-2025”, Hội LHPN tỉnh Quảng Nam tiếp tục đồng hành, phối hợp với USAID, các cấp, ngành chuyên môn tiếp tục nâng cao năng lực kỹ thuật, kỹ năng kinh doanh, năng lực tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm cho Phụ nữ và người dân Tây Giang, giúp người dân khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên dược liệu quý này một cách bền vững./.

Tác giả: