Nhiều trở ngại
Từ ý tưởng ban đầu tạo ra không gian vui chơi giải trí và lưu trú cho du khách khi đến với mảnh đất Đông Giang, nhiều năm trước, Clâu Lanh – một cô gái trẻ Cơ Tu ở thôn Ra Ê (xã A Ting) đã mạnh dạn đầu tư một homestay mang phong cách dân dã đậm chất núi rừng. Thời điểm đó, mô hình khởi nghiệp của Clâu Lanh được đánh giá có nhiều triển vọng thu hút du khách tìm đến trải nghiệm đời sống cộng đồng vùng cao.
Tuy nhiên, kể từ sau đợt dịch Covid-19 bùng phát, mô hình lưu trú của Clâu Lanh gặp nhiều trở ngại, buộc phải tạm đóng cửa. “Dịch bệnh kéo dài, du khách vắng dần, trong khi nợ ngân hàng phải trả hàng tháng nên thời gian qua tôi gặp rất nhiều khó khăn.
Trong dự định của mình, tôi quyết tâm sẽ khởi động lại dự án và mở cửa trở lại để người dân, đặc biệt là các bạn trẻ thấy được rằng, bản thân các bạn đều có thể khởi nghiệp ngay trên chính quê hương của mình.
Để tinh thần đó được lan tỏa, những người trẻ đang quyết tâm khởi nghiệp như tôi, mong muốn có thêm sự giúp sức từ chính quyền địa phương, nhất là trong việc hỗ trợ nguồn vốn vay triển khai dự án” – Clâu Lanh chia sẻ.
Câu chuyện của Clâu Lanh chỉ là lát cắt trong rất nhiều trở ngại và khó khăn chung của người trẻ ở miền núi có chí hướng khởi nghiệp. Arất Nung (ở thôn Tà Vạc, thị trấn Prao) nói, mặc dù bỏ ra kinh phí hơn 250 triệu đồng để thực hiện dự án “Kinh doanh cà phê và nông sản Ka Nung”, nhưng sau thời gian triển khai, có vẻ số tiền này cũng… không thấm vào đâu. Vì thế, anh đang gặp khó khăn về nguồn lực đầu tư mở rộng dự án.
Bỏ rất nhiều công sức, tiền bạc để cải tạo vườn đồi, anh Nung đang dần hoàn thiện mục tiêu trồng các loại nông sản phục vụ nhu cầu tham quan trải nghiệm cho du khách.
“Ý tưởng ban đầu, mình chỉ định mở quán cà phê. Nhưng sau đó lại nảy ra ý tưởng kết hợp bày bán các mặt hàng nông sản phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách. Sắp tới, mình sẽ cải tạo vườn đồi phía đối diện quán để trồng các loại hoa, tạo điểm nhấn thu hút khách tìm đến” – Arất Nung tâm sự.
Cần thêm những “đầu tàu”
Được mời đến chia sẻ kinh nghiệm về quá trình khởi nghiệp của bản thân, chị Võ Thị Minh Nga – Giám đốc Công ty TNHH Minh Nga bày tỏ cảm thông với những trở ngại của đồng bào miền núi trong việc khởi nghiệp sáng tạo.
Cô gái người Bh’noong này hiểu rất rõ câu chuyện khó khăn của cộng đồng, từ nguồn lực kinh tế, ý tưởng xây dựng mô hình, cho đến việc kết nối, quảng bá giới thiệu sản phẩm đến với thị trường và công chúng.
Minh chứng rõ nét là ngay trong câu chuyện của chị được chia sẻ, với đủ đầy khó khăn trở ngại, có lúc tưởng chừng sắp phải bỏ cuộc. Nhưng, bằng quyết tâm thoát nghèo, chinh phục bản thân, chị đã vượt qua mọi rào cản, từng bước đưa sản vật địa phương đến gần hơn với thị trường.
Một trong số thương hiệu của Nga là sản phẩm được tạo ra từ gạo lứt rẫy, thông qua dự án “Cô gái Bh.nong – mang hương rừng ra phố”. Năm 2021, dự án đã xuất sắc giành giải nhì Chương trình phát triển dự án khởi nghiệp quốc gia.
Lắng nghe rất nhiều câu chuyện của người trẻ Đông Giang trong hành trình khởi nghiệp, ông Phạm Ngọc Sinh – Phó Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ, Trưởng ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh nói, hệ sinh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở mỗi vùng khác nhau. Ở miền núi, quá trình triển khai càng cho thấy nhiều khó khăn hơn bởi những rào cản tại chỗ.
Ông Sinh kỳ vọng, từ những câu chuyện thực tế được chia sẻ, gợi mở từ người trong cuộc và chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp, lần lượt các ý tưởng, những dự định đầu tư sẽ trở thành hiện thực, đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân miền núi.
“Ở hội thảo này, bằng câu chuyện sinh động và định hướng rõ ràng từ các chuyên gia, sẽ mở ra cơ hội để người trẻ ở Đông Giang nói riêng và các địa phương miền núi của tỉnh nói chung sớm “mang hương rừng ra phố”.
Từ chính sản vật của núi rừng sẽ tạo ra sự khác biệt giúp quá trình khởi nghiệp được hình thành bằng các sản phẩm đặc trưng mang chuỗi giá trị cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh” – ông Sinh nhấn mạnh.
Bí thư Huyện ủy Đông Giang – ông Đỗ Tài cho rằng, để hoạt động khởi nghiệp ở miền núi được lan tỏa, bên cạnh hỗ trợ từ chính quyền, cần có thêm nhiều gương mặt “đầu tàu” như chị Võ Thị Minh Nga và các doanh nghiệp khác đang thành công bằng sản vật đặc trưng.
Ông Tài nói, trước đây, địa phương cũng tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ người trẻ khởi nghiệp nhưng chưa đem lại hiệu quả cao. Trong các rào cản lớn, ngoài khó khăn về nguồn lực đầu tư, còn có tình trạng thiếu nhân lực năng động “dám nghĩ, dám làm”. Hơn nữa, quá trình đầu tư có phần đơn lẻ, chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn, dẫn đến việc sau thời gian “lên bờ, xuống ruộng”, nhiều người trẻ có tâm lý chán nản và bỏ cuộc.
“Ý tưởng rất nhiều nhưng khi triển khai thực hiện thì vấp phải những khó khăn, trở ngại. Vì thế, theo tôi, khởi nghiệp ở miền núi cần phải gắn với phát triển du lịch, với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Và hơn cả, là sự năng động từ chính các bạn trẻ để tìm cách tháo gỡ dần những rào cản, thành công với hoạt động khởi nghiệp từ sản vật địa phương miền núi” – ông Tài nói.
Nguồn Báo Quảng Nam
Tác giả: Phan Vinh
Comment here