Tin Quảng NamTin tức sự kiện

Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp xứ Quảng

Khởi nghiệp đang trở thành một xu thế được cổ vũ với sự đồng hành mạnh mẽ của chính quyền địa phương. Vượt qua bao thăng trầm, start-up Quảng Nam đã có những bước tiến đáng ghi nhận để cùng nhau hướng đến một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững.
Hầu hết các mô hình khởi nghiệp sáng tạo đều hướng về sản phẩm tự nhiên, thân thiện với sức khỏe và môi trường. Ảnh: T.V
Hầu hết các mô hình khởi nghiệp sáng tạo đều hướng về sản phẩm tự nhiên, thân thiện với sức khỏe và môi trường. Ảnh: T.V

Lối đi mới mẻ

Tháng 1.2017, Quảng Nam chính thức khởi động chương trình hỗ trợ khởi nghiệp với việc thành lập Tổ công tác hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (nay là Ban điều hành) liên ngành, là đầu mối trực tiếp tham mưu UBND tỉnh thực hiện hoạt động và là trung tâm điều phối chung các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Với việc hưởng ứng các đề án hỗ trợ khởi nghiệp của Chính phủ từ rất sớm, Quảng Nam trở thành 1 trong 4 địa phương đầu tiên trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên triển khai chương trình khởi nghiệp của Chính phủ.

Ông Phạm Ngọc Sinh – Phó Giám đốc Sở KH-CN, Trưởng ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quảng Nam nói: “Xác định vai trò quan trọng của nông dân nên Quảng Nam là tỉnh đầu tiên triển khai hỗ trợ nông dân khởi nghiệp. Quảng Nam cũng đẩy mạnh xây dựng, vận hành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới cấp huyện. Đến nay đã có 17/18 huyện, thị xã, thành phố ban hành kế hoạch sinh thái của địa phương mình. Đây có thể xem là dấu ấn nổi bật của Quảng Nam so với các địa phương khác”.

Với truyền thống của vùng đất “mở rộng về phương nam”, giới start-up địa phương ngay từ đầu đã hướng đến việc khởi nghiệp từ thế mạnh và truyền thống canh tân, đổi mới của địa phương để hướng khởi nghiệp vào giá trị cốt lõi với slogan “Quảng Nam – vùng đất mở khởi nghiệp sáng tạo” nhằm quy tụ tinh thần, lan tỏa giá trị văn hóa cốt lõi của hệ sinh thái.

TS.Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, mô hình triển khai hệ sinh thái khởi nghiệp của Quảng Nam rất sáng tạo, phù hợp với xu thế và tinh thần khởi nghiệp mà các chuyên gia gọi nôm na là “mô hình khởi nghiệp tích hợp”.   

Khởi nghiệp sáng tạo với nữ giới thường gặp nhiều khó khăn nên việc phụ nữ địa phương phát triển được nhiều mô hình khởi sắc trong giai đoạn 1 (2017 – 2020) là tín hiệu đáng mừng. Từ dự án “mỹ phẩm thiên nhiên Hoa Mẫn Vy” của chị Nguyễn Thị Mẫn Vy (TP.Hội An) được tham gia Techfest 2019 Quảng Ninh đến “Túi gội đầu thảo dược” của chị Trần Thị Thủy Tiên (huyện Hiệp Đức) hay “Du lịch homestay Cơ Tu” của chị Clâu Lanh (huyện Đông Giang)… đều là những mô hình rất “thuận với tự nhiên”.

Chị Nguyễn Thị Mẫn Vy chia sẻ: “Kể từ lúc tham gia cộng đồng khởi nghiệp, thương hiệu Hoa Mẫn Vy đã được nhiều người biết tới, doanh thu tăng gấp đôi. Có kết quả đó, vì thời gian qua, tôi được tham gia nhiều diễn đàn hỗ trợ khởi nghiệp, được đưa đi tập huấn kiến thức về kinh doanh, quản lý, tham gia các chương trình quảng bá sản phẩm. Đồng thời thông qua sự giới thiệu của diễn đàn, tôi được các cơ quan báo chí – truyền thông biết đến, nhờ đó mà uy tín của sản phẩm Hoa Mẫn Vy được nâng lên, nhiều người tin dùng”.

Khát vọng hệ sinh thái bền vững

Đến nay, Quảng Nam đã xây dựng được mạng lưới các câu lạc bộ khởi nghiệp với 12 thành viên, 6 không gian làm việc chung (100% xã hội hóa, Nhà nước hỗ trợ cơ sở vật chất); trong đó có một không gian làm việc chung của tỉnh nhưng đặt ngoài tỉnh. Đến nay, UBND tỉnh đã công nhận 32 dự án khởi nghiệp cấp tỉnh. Năm 2019, có 3 doanh nhân trẻ khởi nghiệp của Quảng Nam được Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam vinh danh doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ tiêu biểu toàn quốc.

Hệ sinh thái tự nhiên cũng như hệ sinh thái xã hội muốn tồn tại và phát triển mạnh thì các thành phần tạo nên hệ sinh thái phải tự sống và tương tác lẫn nhau. Hệ sinh thái khởi nghiệp với tư cách là hệ sinh thái xã hội cũng cần giá trị cốt lõi là xây dựng tinh thần, văn hóa khởi nghiệp lan tỏa mạnh mẽ để làm nền tảng tạo lập và phát triển các thành phần còn lại. Trên thực tế, trong giai đoạn 2017 – 2020, khởi nghiệp Quảng Nam đã hoàn thành mục tiêu địa phương khởi nghiệp, thậm chí vượt chỉ tiêu trước 1 năm.

Để thúc đẩy và tạo nên nền tảng hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững, ông Phạm Ngọc Sinh cho rằng cần phải xây dựng và phát triển mạng lưới chuyên gia khởi nghiệp tại chỗ, đẩy mạnh triển khai khởi nghiệp sáng tạo trong sinh viên trên địa bàn tỉnh và cả sinh viên Quảng Nam tại các trường đại học ở thành phố lớn. Ngoài ra cần xây dựng chương trình tăng tốc dự án khởi nghiệp sáng tạo.

Anh Trần Hữu Tịnh – Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Khởi nghiệp sáng tạo huyện Thăng Bình cho biết, từ khi thành lập CLB đến nay, các thành viên đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp. Nhờ hướng dẫn của cấp trên, thành viên tiếp cận được các cơ chế, chính sách, nguồn vốn vay ưu đãi trên nhiều lĩnh vực. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc động viên, khích lệ tinh thần vượt khó của các thành viên.

“Tuy nhiên, việc sinh hoạt và liên kết giữa các thành viên trong CLB còn nhiều hạn chế, do chưa có một địa điểm cụ thể, “danh chính ngôn thuận” mang tên CLB Khởi nghiệp sáng tạo huyện Thăng Bình. Vì vậy, mong cấp trên xem xét bố trí, hỗ trợ quỹ đất để chúng tôi được thuê với giá ưu đãi, để những sản phẩm khởi nghiệp của anh em có trung tâm trưng bày, liên kết, quảng bá” – anh Tịnh chia sẻ.

Ông Nguyễn Việt An – Trưởng phòng Quản lý và hỗ trợ nhiệm vụ Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 – Đề án 844 (Bộ Khoa học – công nghệ) cho rằng, để hệ sinh thái khởi nghiệp của Quảng Nam phát triển mạnh hơn nữa, địa phương nên thống nhất được nhận thức và mục tiêu chung trong việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái trong giai đoạn tới; đồng thời cần làm rõ đối tượng hỗ trợ mà tỉnh hướng tới là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hay là các doanh nghiệp có áp dụng đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó cũng cần rà soát, đánh giá lại kết quả, hiệu quả triển khai giai đoạn vừa qua và có đánh giá mức độ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh để biết đã làm được gì, còn gì chưa làm được mà hệ sinh thái đang cần để thiết kế các chương trình, kế hoạch thúc đẩy.

 
Tác giả: