Sau khi thành lập thì Hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.Hội An luôn hỗ trợ cho các nhà khởi nghiệp phát triển sản phẩm, dịch vụ nương tựa vào thiên nhiên và giá trị bản địa. Phát huy lợi thế truyền thống, tự nhiên và nền tảng văn hóa địa phương để xúc tiến các dự án khởi nghiệp của thành phố.
Cách đây vài năm, khi tìm tòi, nghiên cứu nguyên liệu để làm mới các sản phẩm mỹ phẩm tự làm của mình, chị Nguyễn Thị Mẫn Vy phát hiện nhiều ưu điểm từ bã cà phê. Trong bã cà phê có cafein, chất béo vừa đủ, khoáng chất và axit linoleic (được xem như một loại vitamin)…, Đây là những dưỡng chất rất tốt cho làm đẹp da, tẩy da chết, kháng khuẩn, làm sạch và dưỡng trắng da.
Sau khi dự án “Sử dụng bã cà phê làm mỹ phẩm thiên nhiên” được công nhận ý tưởng dự án sáng tạo cấp tỉnh năm 2019, dự án được Tập đoàn VN Đà Thành tài trợ 2 tỉ đồng để tiếp tục nghiên cứu và phát triển chuỗi sản phẩm thiên nhiên được tái chế từ bã cà phê. Ngoài các sản phẩm từ bã cà phê, chị còn sản xuất hơn 30 loại mỹ phẩm với nguyên liệu được trồng tại vườn như lá trầu, chanh, bưởi, sả, nghệ, tinh dầu dừa, dầu oliu…
Năm 2022, dự án “Men tỏi đen” của chị Vy tiếp tục được UBND tỉnh công nhận và công bố đoạt giải Ba trong các ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh.
Dự án Phúc Nguyên Rose Trà hoa hồng của chị Nguyễn Thị Phúc (xã Cẩm Hà, TP.Hội An) là một dự án khác tại Hội An được công nhận ý tưởng dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh (năm 2021). Chị Phúc từng có thời gian 15 năm làm việc trong ngành du lịch và gần 5 năm làm giáo viên cho một tổ chức phi chính phủ chuyên hỗ trợ thanh niên có hoàn cảnh khó khăn. Từ một người yêu hoa và có chơi hoa hồng từ lâu, chị đã trở thành người cung cấp giống hoa hồng, đồng thời cũng là người thiết kế sân vườn cho khách hàng có cùng đam mê…
Chị Phúc suy nghĩ rằng nếu dùng nhiều thuốc hóa học sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình và ảnh hưởng môi trường xung quanh. Lúc đầu chị thử nghiệm dùng hữu cơ và cho ra kết quả rất khả quan, cây khỏe và thích ứng. Sau thời gian dài thử nghiệm Phúc mạnh dạn chuyển đổi cả vườn sang hình thức cây trồng hữu cơ (sử dụng phân bón hữu cơ trong bón định kỳ, dùng phương pháp nhũ hóa tinh dầu neem và hỗn hợp ớt tỏi trong phòng ngừa, trị sâu bệnh), vừa đỡ chi phí, vừa đảm bảo sức khỏe.
Chưa dừng lại ở đó, vừa qua một dự án khác của chị Phúc cùng cộng sự là chị Phan Thị Ngọc Quý được UBND tỉnh công nhận và công bố đồng giải Ba trong các ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo năm 2024. Đó là “Mô hình du lịch cộng đồng trong làng nghề truyền thống trồng quật”. Đây là dự án cho khách du lịch trải nghiệm trồng cây quật đất, tìm hiểu nghề truyền thống của làng trồng quật cảnh Cẩm Hà nổi tiếng của miền Trung.
Hiện nay, sức khỏe thể chất và tinh thần luôn gắn bó hài hoà với sự bền vững của thiên nhiên, môi trường. Vì vậy các doanh nghiệp, chủ thể khởi nghiệp Hội An cần nắm bắt xu hướng xanh này để xây dựng những sản phẩm mang lại sự an toàn, sức khỏe
Ông Lê Ngọc Thuận – Chủ tịch Hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.Hội An cho biết, Hội An đang xây dựng thành phố sinh thái – văn hóa – du lịch, những ý tưởng khởi nghiệp đã được định hướng theo sự phát triển chung, trong đó, du lịch sinh thái là sản phẩm đang được nhiều du khách lựa chọn và mang tính bền vững. Đây là nét riêng của hệ sinh thái khởi nghiệp Hội An.
Tác giả: An Nhiên
Comment here