Đầu năm 2017, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định thành lập Tổ Công tác hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh (Tổ Công tác). Để làm sáng tỏ thêm Chương trình khởi nghiệp, đồng chí Phạm Ngọc Sinh – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Tổ trưởng Tổ Công tác đã có cuộc trao đổi với phóng viên Đài PTTH Quảng Nam về những định hướng nội dung chính về khởi nghiệp sáng tạo Quảng Nam năm 2017. Ban Biên tập xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nội dung phỏng vấn Ông Phạm Ngọc Sinh về khởi nghiệp Quảng Nam 2017.
PV: Chương trình khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia tập trung những mục tiêu cơ bản gì? Và, tình hình triển khai của các địa phương trong cả nước?
Ông Phạm Ngọc Sinh: Nhân ngày KH&CN Việt Nam 18/5 năm 2016, thay mặt Thủ tướng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định số 844/QĐ-TTg về Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” với mục tiêu: Tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thiết lập được Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó 50 doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng.
Các tỉnh, thành bạn đang bắt đầu triển khai, với nhiều mô hình, cách thức khác nhau – rất sáng tạo, không rập khuôn, máy móc. Không có tình nào giống tỉnh nào. Thành phố Hồ Chí Minh thì xác định mục tiêu rất mạnh mẽ. Về cơ bản, các địa phương tập trung cho công tác đào tạo, tập huấn; tập hợp lực lượng thông qua hình thức Câu Lạc bộ, diễn đàn đối thoại, hội thảo khoa học; Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và ban hành các văn bản liên quan cấp địa phương.
Kinh nghiệm của bạn rất có ích cho Quảng Nam – học thầy không tày học bạn. Tổ Công tác của tỉnh đang đúc kết, tham mưu UBND tỉnh triển khai cho phù hợp với địa phương.
- Thưa Ông, Quảng Nam triển khai Chương trình khởi nghiệp có kịp thời và hiện đang tập trung vào những nội dung gì?
Ông Phạm Ngọc Sinh: Nói hơn xã một tí, có thể khẳng định: Quảng Nam là đất học thật thụ. Trong lịch sử, câu chuyện khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo là không mới. Và, xứ Quảng là vùng đất mở, canh tân. Thời Đàng Trong, nhờ các tư tưởng tiến bộ, các Chúa Nguyễn đã khai mở, xây dựng thành vùng đất thịnh vượng; mà Thương cảng Hội An là biểu tượng sinh động. Tiếp sau đó là Phong trào Duy Tân, với chủ xướng tân học; mà Cụ Phan Châu Trinh đã đúc kết “Chi bằng học”; rồi, Cụ Huỳnh Thúc Kháng thành lập Công ty, làm ăn buôn bán. Bây giờ, chúng ta có Khu KTM đầu tiên cả nước, mở ra tư duy mới, hướng phát triển mới. Giá trị đó là động lực.
Nếu so với các tỉnh, thành bạn; nhất là các tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên, Quảng Nam là địa phương triển khai không chậm; chỉ đi sau vài tỉnh, thành một bước. Mô hình triển khai của Quảng Nam khác với các địa phương khác là thành lập Tổ Công tác hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh đầu tháng 1 năm 2017; với chỉ đạo thường xuyên, liên tục, trực tiếp của đồng chí Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Có thể tóm tắt Chương trình Khơỉ nghiệp sáng tạo Quảng Nam năm 2017, tập trung: Hoàn thành hệ thống văn bản liên quan, trong đó ưu tiên: Chương trình Khởi nghiệp Sáng tạo giai đoạn 1998 – 2015; Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh đến năm 2025”; Quỹ hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn; chú trọng: xây dựng Cổng thông tin điện tử “Khởi nghiệp sáng tạo Quảng Nam”; đối thoại truyền hình “Thanh niên – Kết nối và đối thoại về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”; tổ chức Hội thảo “ Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch sinh thái”; xây dựng các Câu Lạc bộ Khởi nghiệp Sáng tạo tại Hội An, Tam Kỳ và Núi Thành;…Sự đồng bộ đó, như tôi đã nói, có rút kinh nghiệm từ các tỉnh, thành bạn. Chỉ mới hơn 2 tháng thành lập, khối lượng công việc mà Tổ Công tác hoàn thành là khá nhiều; nổi bật nhất là xúc tiến thành lập hai Câu Lạc bộ Khởi nghiệp Sáng tạo và Kế hoạch công tác cả năm 2017. Sáng tạo là không rập khuôn.
Tỉnh Quảng Nam phát triển khởi nghiệp trên tất cả các lĩnh vực, trong đó chú trọng: du lịch, nông nghiệp, cơ khí và công nghệ thông tin. Có thể nói, năm 2017 là năm khởi động, tạo cơ sở bước đầu cho sự tăng tốc được bắt đầu vào năm 2018, trong đó có sự kiện “Ngày hội Khởi nghiệp Quảng Nam”.
PV: Xin Ông cho biết, để khởi nghiệp thành công, ngoài sự quan tâm hỗ trợ của UBND tỉnh, mà trực tiếp qua kênh Tổ Công tác; thì lực lượng nào có ý nghĩa quyết định?
Ông Phạm Ngọc Sinh: Khởi nghiệp và Khởi nghiệp Sáng tạo là của xã hội, UBND tỉnh và trách nhiệm của Tổ Công tác là hỗ trợ, ươm mầm, nuôi dưỡng, kết nối để các ý tưởng sáng tạo thành công.
Chúng ta biết rằng, tỷ lệ các ý tưởng sáng tạo thành công là rất ít; có khi chưa đến 20%, thậm chí khoảng 10%. Nhưng khi thành công thì nó tăng trưởng rất nhanh. Nhiều khi ý tưởng sáng tạo từ thai nghén, nuôi dưỡng đến hiện thực hóa là con đường rất dài, cũng lắm gian nan. Không có niềm đam mê, khó có thành công. Tôi rất tâm đắc câu nói của nhà diễn giả người Mỹ Dale Carnegie rằng: “Người ta hiếm khi thành công nếu không làm điều mình thấy vui thích”. Trong khởi nghiệp sáng tạo, lực lượng cán bộ khoa học, đội ngũ doanh nhân, thanh niên, nhất là học sinh, sinh viên có vai trò rất quan trọng.
PV: Thưa Ông! Vâng, niềm đam mê là quan trọng. Nhưng đôi khi không phải ai cũng nuôi dưỡng thành công nó, Ông có suy nghĩ gì?
Ông Phạm Ngọc Sinh: Cám ơn bạn đã đồng thuận suy nghĩ. Bạn có niềm đam mê của bạn. Tôi có niềm đam mê của tôi. Và, ngay cả con cái của chúng ta cũng có niềm đam mê khác chúng ta. Nghĩa là, không ai nuôi dưỡng niềm đam mê bằng chính người đó. Niềm đam mê là tự thân. Đừng bao giờ cho rằng: Ai cũng có niềm đam mê giống tôi và bắt phải giống tôi. Tự thân niềm đam mê giống nhau sẽ đến với nhau, cùng bàn bạc, trao đổi, mà hình thức thường gặp là hình thành nên các Câu Lạc bộ, các hội nghề nghiệp,…Tổ Công tác của tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa, nuôi dưỡng các niềm đam mê sáng tạo ấy.
Trong sáng tạo, nhiều khi chúng ta tưởng các ý tưởng sáng tạo rất điên rồ. Khi nhà bác học Hy Lạp cổ đại Acsimet kêu lên “Ơrêka!, Ơrêka!” với thân hình không áo quần giữa phố, mọi người có lẽ tưởng ông…điên. Những ý tưởng điên rồ, hoang đường, như: Narrative clip, Facebook, Craigslist, PayPal, Amazon, Razer, thú cưng bằng đá,..đã đi vào lịch sử. Hay như, báo chí đưa tin các chàng trai Đại Lộc chúng ta đi bán bánh mì ở Nhật Bản. Cá nhân tôi rất thích ý tưởng điên rồ, sự ngông nghênh đáng yêu của mọi người, nhất là thanh niên, học sinh, sinh viên. Khi cần, các bạn hãy liên hệ với Tổ Công tác hoặc cá nhân tôi theo địa chỉ, số điện thoại, email tại Cổng thông tin Khới nghiệp Sáng tạo Quảng Nam, bạn sẽ có thêm sức mạnh nuôi dưỡng niềm đam mê. Thông điệp của UBND tỉnh Quảng Nam là rất mạnh mẽ.
Ý tưởng sáng tạo luôn ra đời trong môi trường dân chủ, hãy lắng nghe và đừng áp đặt. Dân chủ và sáng tạo sẽ tạo ra sức mạnh nội lực. Khởi nghiệp sáng tạo là “mệnh lệnh” (chữ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc) của phát triển. Quảng Nam là vùng đất mở, canh tân. Chúng ta tự hào và có quyền tin vào lực lượng cán bộ khoa học, doanh nhân, thanh niên, học sinh, sinh viên. Họ sẽ khởi nghiệp thành công trên vùng đất học xứ Quảng.
Tác giả: