Dự án khởi nghiệpTin tức sự kiện

Khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi nấm mối đen

Với đam mê và nhiệt huyết với nghề trồng nấm. Chị Phạm Thị Minh Thuỷ (phường Cẩm Nam, TP.Hội An) đã khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi nấm mối đen. Sản phẩm được công nhận 3 sao OCOP và được giải khuyến khích cuộc thi khởi nghiệp tỉnh năm 2024.

Chị Thủy làm sạch thành phẩm. Ảnh: P.V

Sau khi nghỉ công việc làm du lịch, chị Thủy lên mạng tìm tòi về việc trồng nấm, thấy có loại nấm đen nhìn cũng lạ mắt nên khăn gói vào Sài Gòn học tập, tham quan mô hình và quyết định trồng thử nghiệm. Chị trở về đầu tư nhà xưởng với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng. Tuy nhiên, khi những lứa nấm đầu tiên bắt đầu cho thu hoạch thì dịch bệnh Covid-19 diễn ra.

Với những kiến thức học được, chị Thủy mày mò làm theo mô hình, lựa chọn nghề mới mẻ chưa có kinh nghiệm khiến chị gặp không ít khó khăn. Chị Thủy chia sẽ: “Lúc đầu cứ đọc được gì thì làm theo đó, mày mò từng chút xíu chứ chưa hiểu biết gì về nấm, phần vì dịch bệnh kéo dài, chưa biết thị trường tiêu thụ như thế nào, mọi thứ đều hoàn toàn mới nên việc tìm nguồn tiêu thu rất khó khăn, rồi không biết nấm lên như thế  nào, có đạt năng suất không. Thời gian nấm lên nhưng lại trúng vào thời điểm xe không cho lưu thông vì dịch, và năm đó coi như mất trắng”.

Các phôi nấm mối đen. Ảnh: P.V

Thất bại vụ đầu nhưng chị Thủy không dừng lại. Với lòng quyết tâm cao, hai vợ chồng chị quyết định mạnh dạn vay vốn ngân hàng để trồng vụ thứ hai, đầu tư sửa sang lại máy móc, thiết bị nhà xưởng cho vụ mới.

Nấm mối đen cách trồng chăm sóc rất là kì công, môi trường khép kín điều kiện nhiệt độ từ 24-26 độ. Độ ẩm từ 90-95% nấm mối mới ra và đạt năng suất cao. Nếu nhiệt độ quá cao bịch phôi sẽ chết tơ và không mọc nấm, nhiệt độ quá thấp cũng sẽ không mọc nấm. Vì suy nghĩ trồng thực phẩm sạch, phương thức nấm sạch, không sử dụng chất bảo quản cũng như thuốc hóa học để cung ứng cho thị trường tiêu thụ nên rất vất vả đòi hỏi người trồng phải kiên trì.

Xem trang trại nấm là mô hình đầu tư lâu dài nên chị Thuỷ vẫn cố gắng duy trì sản xuất và tự tìm kiếm, phát triển thị trường. Dần dần, những nhà hàng chay, siêu thị mini ở TP.Hội An bắt đầu sử dụng sản phẩm của chị và mở rộng ra đến TP.Đà Nẵng, TP.Tam Kỳ.

Mỗi năm, chị Thuỷ sản xuất liên tục 2 lứa giống. Với quy mô khoảng 10.000 phôi nấm, trang trại cho thu hoạch khoảng 2,5 tạ mỗi tháng. Hiện nay, 1kg nấm mối đen có giá trung bình khoảng 250 nghìn đồng.

Được sự hướng dẫn của Hội LHPN thành phố và phường cùng Phòng Kinh tế hỗ trợ, giúp đỡ tham gia sản phẩm OCOP, bước đầu sản phẩm được đánh giá nấm rất ngon và giá trị dinh dưỡng cao. Quá trình để cây nấm được kiểm định chất lượng sản phẩm đạt chuẩn về an toàn. Đến cuối năm 2021, chị Thủy vui mừng khi được đón nhận chứng nhận sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao do UBND tỉnh Quảng Nam cấp. Vừa qua, chị Thủy tham gia cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh 2024 và đạt giải khuyến khích với mô hình này.

Chị Thủy cho biết rằng sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng để sản phẩm nâng hạng sao, và đầu tư thêm cơ sở để đủ lượng nấm cung cấp cho thị trường.

Sản phẩm nấm mối đen được nhiều người ưa chuộng: Ảnh: P.V

“Tôi muốn mở rộng ra 1 – 2 trại nữa bởi nguồn khách hàng bữa nay họ đã biết đến nhiều về nấm mối đen hơn lúc ban đầu. Nên muốn mở rộng ra, phát triển thị trường ra nhiều tỉnh thành hơn, nhiều cơ sở, nhà hàng được biết đến, nguồn khách hàng phong phú hơn” – Chị Thủy cho biết.

Tuy là sản phẩm từ nghiên cứu khoa học, nấm mối đen được nuôi trồng theo quy trình hữu cơ, chứa nhiều chất dinh dưỡng. Mô hình của chị Thuỷ đang đi đúng xu thế của thị trường và có tiềm năng phát triển trong tương lai.

 

Tác giả: Phước Vinh

Comment here