Khởi nghiệp tại Quảng Nam đang ngày càng phát triển nhưng các chủ thể khởi nghiệp nhỏ lẻ lại chưa quan tâm nhiều đến vấn đề bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm của mình, dẫn đến tình trạng bị đạo nhái và bị đánh cắp quyền sơ hữu trí tuệ.
Một số chủ thể khởi nghiệp không chú trọng đến quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) lại chỉ tập trung vào phát triển kinh doanh sản phẩm. Chính vì thế dẫn đến việc nhiều sản phẩm, dịch vụ khi mang lại lợi nhuận cũng là thời điểm sản phẩm bị công ty khác làm giả. Thậm chí hơn là đánh cắp thương hiệubản quyền, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển kinh doanh của chủ thể khởi nghiệp.
Năm 2019, tại Kỳ họp lần thứ 10, HĐND tỉnh khóa IX đã ban hành Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐND quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019 – 2025. Tại Điều 4, Nghị quyết nêu rõ việc hỗ trợ xác lập, phát triển quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, đối với việc đăng ký nhãn hiệu, tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa 5 triệu đồng/nhãn hiệu và không quá 5 nhãn hiệu/cơ sở; đăng ký nhãn hiệu tập thể, sẽ được hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/nhãn hiệu; đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, sẽ được hỗ trợ tối đa 20 triệu đồng/nhãn hiệu; đăng ký sáng chế được hỗ trợ tối đa 20 triệu đồng/sáng chế; đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hỗ trợ 10 triệu đồng/kiểu dáng và không quá 5 kiểu dáng công nghiệp/năm/cơ sở…
Nhờ hình ảnh logo đã được cấp chứng nhận bảo hộ từ năm 2018. Chị Trần Thị Yến – Phó Giám đốc Công ty TNHH Lụa Mã Châu (Duy Xuyên) đã tránh được việc bị đánh cắp thương hiệu từ các công ty lụa khác. Khi những bên này sử dụng hình ảnh logo của nhãn hiệu Mã Châu khi chưa được sự đồng ý và sử dụng với mục đích thương mại đã vi phạm những quy định của pháp luật. Chị Yến đã đề nghị rút các bài viết quảng cáo về sản phẩm có sử dụng hình ảnh logo Lụa Mã Châu và viết bài đính chính với khách hàng.
Nói về vấn đề sở hữu trí tuệ, Th.s Nguyễn Thị Thúy – Phụ trách Văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ tại Đà Nẵng cho rằng đăng ký SHTT là phương thức để bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu quyền SHTT.
“Có nhiều doanh nghiệp tốn nhiều thời gian đăng ký, nộp hồ sơ nhưng không được duyệt. Tuy nhiên, nếu không đăng ký thì có thể mất tất cả, còn nếu đăng ký mà phát hiện nhãn hiệu đã được sử dụng thì chủ thể khởi nghiệp sẽ có thêm cơ hội thay đổi, cho nên đăng ký SHTT để bảo hộ tài sản, sau này nếu không sử dụng có thể tặng cho, mua bán,…”, Th.s Thúy nói.
Nhấn mạnh các quyền lợi khi bảo hộ SHTT, Th.s Nguyễn Thị Thúy cho biết đây là phương thức để bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu quyền SHTT. Đặc biệt, khi chủ thể đã thực hiện đăng ký và có kết quả bảo hộ sẽ dễ dàng chứng minh mình là chủ sở hữu khi có tranh chấp xảy ra.
Cùng với đó, đăng ký SHTT sẽ giúp giữ vững khả năng cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường, có khả năng chuyển nhượng cho các bên có nhu cầu để thu về nguồn lợi nhuận lớn. Đặc biệt, kích thích khả năng tạo ra các sản phẩm mang tính trí tuệ khác và được xác lập quyền SHTT với các sản phẩm đó.
“Từ đó giúp doanh nghiệp dễ dàng thực hiện các giao dịch, ngăn chặn hành vi sao chép, tự do hoạt động tránh sự can thiệp từ người khác dựa trên quyền SHTT. Đồng thời, doanh nghiệp có nhiều quyền SHTT sẽ tăng trưởng nhanh hơn, tránh tổn thất về chi phí do kiện tụng,…”, Th.s Nguyễn Thị Thúy nói thêm.
Theo ông Phạm Ngọc Sinh – Phó Giám đốc Sở KHCN kiêm Trưởng ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh, trong nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, thương mại các sản phẩm của địa phương, Quảng Nam rất quan tâm đến việc tạo mọi điều kiện để các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp được bảo hộ thương hiệu nói riêng và sở hữu trí tuệ nói chung.
Dựa trên những cơ chế hỗ trợ của tỉnh, các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp liên hệ phòng Kinh tế hoặc phòng Kinh tế hạ tầng cấp huyện, phòng Quản lý công nghiệp – Sở KHCN hoặc Ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh để được hướng dẫn các thủ tục và phương thức thực hiện các vấn đề liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu, kiểu dáng công nghiệp.
Tác giả: An Nhiên
Comment here