Chỉ có 1% hợp tác xã (HTX) tiếp cận được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng. Bên cạnh năng lực điều hành còn yếu, nguồn lực đầu tư phân tán, các HTX còn gặp rất nhiều thách thức khác trong quá trình phát triển…
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: LÊ QUÂN |
Đây là nhìn nhận của các đại biểu tham dự hội thảo “Giải pháp phát triển HTX liên kết theo chuỗi giá trị, kết nối tín dụng và tiêu thụ sản phẩm do Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh tổ chức cuối tuần qua. Hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động của TechFest Quảng Nam 2019.
Nhiều khó khăn
Bà Đỗ Thị Thu Thảo – Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho rằng hoạt động của HTX đã bước đầu khởi sắc, tạo việc làm, thu nhập thường xuyên, ổn định cho người lao động, góp phần tích cực vào xây dựng NTM và tái cơ cấu nông nghiệp tại các địa phương. “Năm 2019, cả nước có 99.000 tổ hợp tác (THT), 73 liên hiệp HTX và hơn 22,7 nghìn HTX, tăng 322 HTX so với cuối năm 2018, thu hút hơn 7 triệu thành viên và tạo việc làm thường xuyên cho 2,5 triệu lao động. Trong đó có 453 HTX, 6 nghìn tổ hợp tác do phụ nữ quản lý. Ở các tỉnh khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Hội LHPN các cấp đã hỗ trợ thành lập được 132 HTX. Nhiều mô hình, cách làm hay đã xuất hiện như Quảng Nam trong khuôn khổ hợp tác với tổ chức Agriterra – Hà Lan về xây dựng và phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm đã lựa chọn hỗ trợ sản phẩm gạo sạch, cây keo, lúa giống và heo sạch; tỉnh Bình Định hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm đậu phộng và dầu dừa; TP.Đà Nẵng hỗ trợ sản phẩm mây tre đan…” – bà Thảo chia sẻ.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, kinh tế tập thể và HTX đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Mới chỉ có hơn 30% số xã có HTX hoạt động hiệu quả. HTX phát triển chưa tương ứng với tiềm năng, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Số HTX kết nối tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. “Mới chỉ có 1% HTX tiếp cận được nguồn vốn. Bên cạnh đó, năng lực điều hành HTX còn yếu, quản lý nhà nước về HTX chưa được thống nhất. Thu nhập của lao động trong HTX chỉ bằng 39% thu nhập bình quân lao động của cả nước” – bà Đỗ Thị Thu Thảo nói thêm. Tương tự, ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NN&PTNT) chia sẻ, tất cả các địa phương đều khẳng định HTX là điều kiện để tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thế nhưng, việc đầu tư hỗ trợ HTX lại rất yếu. “Các HTX hiện nay phần lớn quy mô nhỏ, thiếu nguồn lực, thiếu động cơ kinh doanh, thiếu hạ tầng. Nhiều HTX thành lập vì chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Còn rất nhiều HTX chưa chú trọng đến vấn đề giới…” – ông Thịnh nói.
Cải thiện để được vay vốn
Phần lớn các HTX hiện nay đều được củng cố và phát triển dựa trên mô hình HTX cũ với cơ sở thiết bị, hạ tầng ít được đầu tư trở lại, các dự án lại hình thành và xây dựng thiếu tính khả thi, hiệu quả, năng lực sản xuất, kinh doanh, quản lý còn rất hạn chế… Đây chính là các yếu tố để các tổ chức tín dụng, ngân hàng khó thể nào đặt niềm tin ở các HTX. Ông Phạm Đình Dũng – Phó Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Quảng Nam chia sẻ, các ngân hàng sẵn sàng đón tiếp những khách hàng đủ điều kiện. Tuy nhiên, cùng với các khó khăn đã đề cập thì nguồn vốn của nhiều HTX lại không đủ để làm vốn đối ứng cho các ngân hàng khi thực hiện thủ tục vay vốn. “Chính vì vậy, mặc dù HTX có thể đưa lên nhiều dự án, phương án nhưng khi thẩm định lại thì vẫn có nhiều dự án chưa đảm bảo được tính khả thi, hiệu quả nên ngân hàng phải từ chối. Ngoài ra một số HTX lại không có tài sản đảm bảo” – ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, để các HTX dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn vay, liên minh HTX cùng một số ban ngành liên quan cần phải phân loại rõ thực trạng HTX hiện nay, theo đó phải xác định cụ thể những HTX nào đạt loại tốt, HTX nào yếu quá thì nên giải thể. “Với HTX nào đủ điều kiện thì cần đầu tư, hỗ trợ để tăng quy mô, không nên đầu tư dàn trải. Sau khi phân loại, với những HTX đủ điều kiện thì cơ quan địa phương sẽ tư vấn về sản xuất kinh doanh, liên kết HTX, các dự án triển khai. Sau khi được củng cố, tư vấn, chúng tôi sẵn sàng đón tiếp và tạo điều kiện thuận lợi với những khách hàng đủ điều kiện này” – ông Dũng chia sẻ thêm.
Ông Võ Bảy – Chủ tịch Liên minh HTX Quảng Nam cho biết, hiện tại toàn tỉnh có 329 HTX và 1 liên hiệp HTX, trong đó có 243 HTX nông nghiệp. Tổng kinh phí hỗ trợ của UBND tỉnh đối với việc đổi mới, phát triển HTX lên hơn 16,6 tỷ đồng. Trong khi đó, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX có tổng vốn điều lệ hiện nay là 67,4 tỷ đồng và đã thực hiện cho vay đối với 241 dự án của 122 THT và 54 HTX. Theo ông Bảy, gần đây, số lượng HTX, THT hoạt động hiệu quả tăng cao, không ít đơn vị đã thực hiện mở rộng và tăng thêm các dịch vụ mới, thu hút thêm thành viên. “Gắn với chương trình nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình OCOP, nhiều HTX đã xây dựng đề án, có giải pháp cụ thể và triển khai thành công, thực hiện tốt công tác dồn điền đổi thửa, hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng thương hiệu sản phẩm” – ông Võ Bảy chia sẻ.
Để cải thiện hoạt động của HTX, theo nhiều đại biểu tại hội thảo, cần sự liên kết không chỉ trong từng khâu, chuỗi sản xuất mà đòi hỏi phải liên kết với các doanh nghiệp, ngân hàng, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, mở rộng quy mô, tạo ra những đột phá của chuỗi giá trị sản phẩm…
Tác giả: