Khởi nghiệpTechFest Quảng NamTin Quảng NamTin trong nướcTin tức sự kiện

Định danh thương hiệu sản phẩm bản địa – Bài 1: Xứ sở giàu tiềm năng sản vật

Quảng Nam có mục tiêu xây dựng thương hiệu vùng đất với nhiều góc độ khác nhau, như điểm đến du lịch xanh, an toàn, thân thiện, hay là nơi có môi trường đầu tư hấp dẫn… Tuy nhiên, điều cần quan tâm là thương hiệu sản phẩm, làm sao cho hình ảnh xứ Quảng được lan tỏa, từ chính những sản phẩm của làng nghề truyền thống đến các cơ sở khởi nghiệp, sáng tạo trên nền bản sắc đa dạng, phong phú, độc đáo. Điều đó cần có khát vọng cháy bỏng!

Làng nghề dệt chiếu Bàn Thạch (xã Duy Vinh, Duy Xuyên) đã có từ lâu đời ở xứ Quảng
Làng nghề dệt chiếu Bàn Thạch (xã Duy Vinh, Duy Xuyên) đã có từ lâu đời ở xứ Quảng

BÀI 1: XỨ SỞ GIÀU TIỀM NĂNG SẢN VẬT

Thừa tuyên Quảng Nam được minh quân Lê Thánh Tông thành lập 1471 với tầm nhìn lâu dài: Đất mở rộng về phương Nam. Đến thời chúa Nguyễn Đàng Trong trở thành “Đất yết hầu Thuận – Quảng”, Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (1776) miêu tả: “Tại xứ Quảng Nam, các thứ thổ sản như trầm hương, tốc hương, sừng tê, ngà voi, vàng bạc, bông gòn, sáp ong, cau tươi, hồ tiêu…, các thứ gỗ đều sản xuất ở đây cả”.

Đất trăm nghề

Theo bước chân hành trình vào phương Nam với nhiều cuộc di dân lớn từ Bắc Bộ, nhất là Thanh – Nghệ – Tĩnh qua các triều đại phong kiến cộng cư với cư dân Sa Huỳnh, Champa bản địa và chính sách giao thương chúa Nguyễn đưa người Hoa, Nhật,… định cư đã hội tụ, giao thoa văn hóa phong phú, đa dạng, nhiều màu sắc, hình thành nhiều làng nghề, nghề đặc trưng ở hầu khắp huyện, thị, thành phố; từ miền xuôi lên miền ngược, từ Bắc vào Nam. Cho đến nay số liệu thống kê Quảng Nam cho biết có khoảng 100 nghề thủ công và phân chia thành 10 nhóm ngành nghề.

Một cách khái quát, theo TS. Nguyễn Minh Phương (Đà Nẵng): “Nghề xứ Quảng hội tụ tinh hoa đất Bắc cùng tinh hoa Champa với sự dồi dào vật liệu bản địa, đã tạo nên nét đặc trưng hiếm có, góp phần thay đổi diện mạo kinh tế- xã hội và diện mạo văn hóa của địa phương. Đặc biệt, nghề biển xứ Quảng phát triển rầm rộ, nghề đóng ghe bầu, đóng thuyền, là trung tâm của Đàng Trong với các địa danh: Thi Lai, Hà Mật, Ngọc Sơn, Bình Sơn, Bàn Thạch, Kim Bồng, Tam Phú…

Thomas Bowyear, thương nhân người Anh đến Đàng Trong năm 1695 – 1696, cho biết “… Chiến thuyền đều do xưởng của phủ chúa đóng. Xưởng đóng tàu Hà Mật có tới 4.000 thợ và đóng được những chiến thuyền trọng tải đến 400 tấn”.

Một cách khái quát, theo TS. Nguyễn Minh Phương (Đà Nẵng): “Nghề xứ Quảng hội tụ tinh hoa đất Bắc cùng tinh hoa Champa với sự dồi dào vật liệu bản địa, đã tạo nên nét đặc trưng hiếm có, góp phần thay đổi diện mạo kinh tế- xã hội và diện mạo văn hóa của địa phương.

Cuối thế kỷ 18, Quảng Nam ít nhất có 63 địa chỉ đóng ghe thuyền. Cuối thế kỷ 19, trong Đồng Khánh dư địa chí, khi liệt kê dân đinh tỉnh Quảng Nam, cho thấy lực lượng thợ đóng thuyền rất hùng hậu. Cùng với đó là làng nghề làm dầu rái Đại Thạnh, Đại Lộc.

Đánh giá về sự phát triển nghề đóng thuyền, PGS.TS. Nguyễn Văn Đăng – Đại học Khoa học Huế cho biết: “Trên bước đường phục quốc, Nguyễn Phúc Ánh, sau là vua Gia Long, mang cách đóng thuyền ở Quảng Nam để tổ chức các xưởng đóng thuyền ở Gia Định (năm 1801) xây dựng các đội thủy quân”.

Tự hào một thời vang bóng

Quốc sử quán triều Nguyễn nhận xét “Tổ tiên chúng ta tiến về Nam đến đâu phổ biến nghề thủ công đến đấy”.

Xứ Quảng từ lâu đã phát triển rầm rộ nghề đóng tàu thuyền.
Xứ Quảng từ lâu đã phát triển rầm rộ nghề đóng tàu thuyền.

Tra nhiều tài liệu nghiên cứu cho thấy, sản vật xứ Quảng vừa phong phú, đa dạng, từ ngõ nguồn đến biển. Đặc biệt, sản phẩm được các làng nghề làm ra, từng trở thành hàng hóa giao thương mang nhiều ấn tượng với trong nước và quốc tế.

Sản phẩm xứ Quảng xưa không đơn thuần là buôn bán thô, mà sản xuất với công nghệ truyền thống tinh tế, đẹp, sang trọng,… được thị trường phương Tây ưa chuộng; hàng mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà được bán tại Mã Lai, Nhật Bản số lượng lớn.

Chúng tôi nhặt ra những nhận xét đáng lưu ý như: về hàng tơ lụa “Tơ lụa Đàng Trong so với Trung Quốc thì hơn hẳn về phẩm chất và sự tinh tế” (Thành Thế Vỹ, Ngoại thương Việt Nam thế kỷ XVII, XVIII và nửa đầu Thế kỳ XIX, Nxb Sử học, HN); “nhiều đến nổi dùng để đan lưới và bện dây buột thuyền” (A.De.Rhodes).

Năm 1792, J. Barraw nhận xét “những đồ vàng bạc chạm tổ tinh xảo như hàng Trung Quốc”, “chiếu để che phủ sản nhà được dệt tinh xảo”, chiếu xứ Quảng “rực rỡ hoàng cung nhà Nguyễn”, mộc Kim Bồng góp sức tạo dựng kinh thành Huế, phổ cổ Hội An.

Tư duy mở, canh tân, sự phát triển giao thương thời Đàng Trong đã tạo dựng nên một xứ Quảng tinh hoa nghề nghiệp, giàu có, phát triển đô thị, buôn bán tấp nập… mà bấy giờ, người phương Tây gọi là “nước Quảng Nam”.

Đến thời người Pháp vào đã thốt lên “Hơn hết các tỉnh ở Trung Việt kể cả Huế,… người Quảng Nam sớm quen với văn minh châu Âu hơn hết” (Lê Minh Quốc, Người Quảng Nam, Nxb Đà Nẵng, 2003).

Sản vật, sản phẩm xứ Quảng nổi tiếng đi vào ca dao, dân ca và lưu truyền cho đến ngày nay, tiêu biểu như bài ca dao “Đá than thì ở Nông Sơn/ Bồng Miêu vàng bạc, Quế Sơn có chè/ Thanh Châu buôn bán nghề ghe/ Thanh Hà vôi ngói, mía che Đa Hòa/ Phú Bông dệt lụa, dệt sa/ Kim Bồng thợ mộc, Ô Gia thợ rừng/ Ngà voi, tê giác, gỗ rừng/ Trân châu hải vị chẳng từng thiếu chi/ Tỉnh ta giàu nhất Trung Kỳ/ Nên ta phải học lấy nghề tự sinh…”. Đó là dư địa, là nền tảng và cội nguồn để khởi nghiệp xây dựng, khôi phục và phát triển làng nghề, sản phẩm mang thương hiệu xứ Quảng.

Tác giả: Ngọc Sinh