Tổ Công tác hỗ trợ khởi nghiệp (KN) sáng tạo tỉnh vừa phối hợp với Trung tâm Ươm tạo KN Sông Hàn và Trung tâm Dịch vụ tổng hợp Khu công nghệ cao TP.Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Thực trạng và giải pháp vận hành hiệu quả cho hỗ trợ KN đổi mới sáng tạo tại địa phương”. Hội thảo thu hút nhiều ý kiến chia sẻ kinh nghiệm về quá trình xây dựng hệ sinh thái KN ở các địa phương.
CHIA sẻ về công tác hỗ trợ KN, ông Phạm Ngọc Sinh – Tổ trưởng Tổ Công tác hỗ trợ KN sáng tạo tỉnh cho biết, Quảng Nam là một trong những tỉnh đi đầu trong hỗ trợ KN. Đến nay, mô hình mà Quảng Nam triển khai có sự khác biệt so với những địa phương trên cả nước. Bên cạnh việc thành lập tổ công tác độc lập trong hỗ trợ KN, UBND tỉnh đã quyết định về Kế hoạch xây dựng hệ sinh thái KN đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 – 2025 trên cơ sở tích hợp tất cả đề án của Chính phủ và chương trình thanh niên KN – trở thành địa phương đi đầu liên kết nguồn lực và sức mạnh của xã hội về xây dựng hệ sinh thái cấp tỉnh. Những lĩnh vực Quảng Nam ưu tiên hỗ trợ KN gồm: du lịch, nông nghiệp (bao gồm cả dược liệu), công nghệ thông tin và công nghiệp phụ trợ – cơ khí và tự động hóa.
Tại hội thảo, các thành viên thuộc Tổ Công tác hỗ trợ KN sáng tạo tỉnh và Câu lạc bộ KN sáng tạo TP.Tam Kỳ đã có những câu hỏi cũng như góp ý đối với vấn đề hỗ trợ KN của tỉnh. Đánh giá cao các hoạt động hỗ trợ KN trên địa bàn tỉnh thời gian qua, nhưng ông Phan Xuân Thanh – Chủ nhiệm Câu lạc bộ KN sáng tạo TP.Hội An cho rằng, các hoạt động hỗ trợ KN cần hướng đến đối tượng theo từng lĩnh vực và có sự lựa chọn đối tượng trong tư vấn, hỗ trợ KN. Bởi, thực tế có nhiều người KN về du lịch mà không hiểu gì về du lịch, làm nông nghiệp mà không hiểu về nông nghiệp, dẫn đến việc tư vấn, hỗ trợ sẽ không phát huy kết quả. Ông Thanh kiến nghị, công tác tuyên truyền cần hướng đến vận động các bạn trẻ nên đi làm từ 2 – 3 năm về lĩnh vực yêu thích để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm rồi khi đó mới nghĩ đến chuyện khởi nghiệp. Nếu không có kiến thức cơ bản thì không những gặp khó khi KN mà việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ KN cũng khó phát huy hiệu quả.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Liên – Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh đề nghị hoạt động hỗ trợ KN cần hướng đến việc tuyên truyền, định hướng cho các bạn trẻ nói chung và phụ nữ nói riêng trong việc học nghề, nhất là những ngành nghề phù hợp với cuộc cách mạng 4.0. Ông Nguyễn Phi Thạnh, thành viên Câu lạc bộ KN sáng tạo TP.Tam Kỳ cho biết, nhiều bạn trẻ KN phần lớn là làm theo năng lực, thích cái gì là làm cái đó mà ít để ý đến thị trường. Nhiều sản phẩm KN được bán qua kênh quen biết, quan hệ, không theo hệ thống phân phối. Điều này cho thấy, nhiều người KN còn thiếu kiến thức về bán hàng, quản trị nhân sự, kinh doanh… Do đó, thời gian đến, hoạt động hỗ trợ KN cần quan tâm, tập trung nhiều đến những nội dung này để giúp các bạn trẻ KN hiệu quả hơn.
Tác giả: