Hệ sinh thái khởi nghiệp Quảng Nam đã hình thành và ngày một phát triển, trở thành địa phương đi đầu trong khu vực. Với nền tảng đó, việc thúc đẩy các giải pháp đồng bộ, có chiều sâu, hiệu quả nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp vững mạnh là điều đáng được quan tâm.
CẦN ĐỘNG LỰC ĐỂ VƯƠN XA
Hàng trăm dự án/ý tưởng khởi nghiệp cấp tỉnh đã được công nhận chỉ sau gần 5 năm triển khai xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Để những dự án/ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp “cất cánh”, vươn mình ra “biển lớn”, rất cần sự trợ sức từ nhiều phía.
Kỳ vọng sản phẩm vươn xa
Không chấp nhận dừng lại ở quy mô, thị phần nhỏ, nhiều thanh niên khởi nghiệp (KN) đang ấp ủ những dự án lớn nhằm đưa sản phẩm vươn xa.
Nguyễn Phong Lợi (ở thị xã Điện Bàn) là một trong 10 gương thanh niên KN tiêu biểu năm 2022 vừa được UBND tỉnh tặng Bằng khen. Anh Lợi có khá nhiều dự án KN nổi bật, tạo được tiếng vang trong lĩnh vực du lịch cộng đồng, xây dựng… Tuy nhiên, với hoài bão lớn, anh chưa thể hài lòng với những gì đã làm được.
Anh Lợi bộc bạch: “Thanh niên KN đóng vai trò quan trọng với phát triển kinh tế nhưng hiện chưa thấy mô hình phát triển rộng lớn, có thể mang sản phẩm ra thị trường quốc tế. Với KN đổi mới sáng tạo, cần nhìn nhận rằng, chúng ta đã đổi mới chưa, sáng tạo chưa, chúng ta có tư duy 3 năm, 5 năm, 10 năm chưa.
Với nhu cầu thị hiếu của thị trường hiện nay, tôi chợt thấy rằng những tiếng kêu của những “con gà, con vịt” rất nhiều, nhưng cần tiếng gầm của “con sư tử” thì rất ít và thậm chí không thấy”.
Nguyễn Phong Lợi cho biết, đang ấp ủ xây dựng nhà máy sản xuất nội thất quy mô khoảng 10.000m2 nhằm thực hiện mục tiêu đưa sản phẩm xuất khẩu qua thị trường Mỹ, nhưng đang gặp vướng mắc trong thủ tục đầu tư. Tại diễn đàn đối thoại với lãnh đạo tỉnh mới đây, anh Lợi nêu nguyện vọng, bày tỏ những khó khăn để đề nghị sự hỗ trợ, giúp đỡ.
Chị Kiều Bảo Hân (quê xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc), nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty TNHH Hapinut, đồng thời là tác giả của dự án KN “Sợi ngọc xứ Quảng” đang tiếp tục đầu tư vào khâu sản xuất để sẵn sàng đưa sản phẩm ra “biển lớn”.
Chị Hân chia sẻ: “Việc hướng tới phương thức sản xuất sạch, bảo vệ môi trường khiến doanh nghiệp tốn kém chi phí. Tuy nhiên đó cũng là cơ hội để sản phẩm có thể cạnh tranh với sản phẩm ở các tỉnh khác và nước ngoài. Mục tiêu của “Hapinut” năm nay là xuất khẩu, chúng tôi đã chào hàng được các đối tác đến từ Nhật Bản, Hà Lan, Úc. Tôi nghĩ thị trường chính của mình sau này phải là cộng đồng người châu Á khắp mọi nơi…”.
Cần người… chỉ đường
Ông Nguyễn Bão Quốc – Giám đốc Công ty Tư vấn giải pháp và đào tạo BQ cho rằng, thực chất, hệ sinh thái khởi nghiệp (HSTKN) Quảng Nam còn nhiều hạn chế về sản phẩm mang tính đổi mới và mô hình kinh doanh khác biệt. Các dự án KN hiện nay phần lớn là khởi sự kinh doanh, lập nghiệp. Nhìn từ góc độ này để đưa một dự án truyền thống qua hướng KN sáng tạo thì cần đổi mới cách làm, từ sản phẩm đến mô hình kinh doanh, cách thức triển khai tiếp cận thị trường và bán hàng.
“Để làm được điều này cần có sự chung tay của Nhà nước về xây dựng các chính sách hỗ trợ KN, thuế, cùng các nhà tư vấn, tổ chức hỗ trợ KN, giới chuyên gia và nhà đầu tư – những doanh nghiệp thành công, những doanh nhân muốn đóng góp cho xã hội, các quỹ đầu tư thiên thần…” – ông Quốc nói.
Nhìn nhận về HSTKN Quảng Nam, ông Trương Thanh Hùng – Phó Chủ tịch phụ trách khu vực miền Trung Hội đồng Cố vấn KN quốc gia cho rằng, Quảng Nam đã khuyến khích, xây dựng và lan tỏa được tinh thần KN rộng khắp, tuy nhiên đây mới là giai đoạn ban đầu, bây giờ đến lúc phải chỉ ra con đường để giảm thất bại, khó khăn cho người KN. Phương pháp để thực hiện điều đó là thông qua chương trình huấn luyện chuyên sâu dành cho các doanh nghiệp.
“Mình bảo người khác đi KN thì hãy chỉ cho người khác con đường KN như thế nào để giảm thiểu thất bại chứ không phải cứ bảo KN là lao ra KN. Bình thường muốn nhảy xuống sông để bơi thì phải học bơi trước nếu không sẽ chết đuối. Tương tự, muốn KN thành công thì phải học về KN” – ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, thời gian tới, trong công tác xây dựng HSTKN, Quảng Nam phải tập trung nâng cao năng lực các cá nhân KN, startup, founder thông qua các chương trình đào tạo chuyên sâu và các chương trình cố vấn dẫn dắt… Hội đồng Cố vấn KN quốc gia đang nỗ lực xây dựng đội ngũ cố vấn đồng hành với doanh nghiệp địa phương. Nghĩa là phải có đội ngũ mentor – cố vấn KN địa phương hoạt động chính thức, như câu lạc bộ.
Ở đó gồm có doanh nhân đi trước với nhiều trải nghiệm thương trường, giảng viên, chuyên gia tư vấn…, tất cả cùng hợp sức lại để hình thành câu lạc bộ. Họ sẽ được Hội đồng Cố vấn KN quốc gia trang bị kỹ năng cố vấn KN để nắm được công cụ và kỹ năng dẫn dắt các dự án KN làm đúng với tinh thần KN đổi mới sáng tạo. Nếu làm được điều này thì HSTKN Quảng Nam sẽ đi vào chiều sâu nhiều hơn, không còn ở mặt kích hoạt phong trào, mà sẽ tạo được nhiều doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thực sự.
Phát huy truyền thống canh tân đổi mới
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, Quảng Nam là vùng đất có truyền thống cách mạng kiên cường, là vùng đất học, đất của canh tân đổi mới. Hiện nay có rất nhiều tấm gương tiếp tục phát huy truyền thống đầy tự hào đó.
Trên quê hương Quảng Nam, KN là một trong những phong trào được phát huy mạnh mẽ, rộng khắp từ đồng bằng đến miền núi, từ đô thị đến nông thôn, với sự tham gia hưởng ứng tích cực của thế hệ trẻ. Điều đáng mừng, tự hào là các bạn trẻ không quản ngại khó khăn, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau từ giai đoạn hình thành ý tưởng đến giai đoạn phát triển sản phẩm, đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Rất nhiều tấm gương nỗ lực vượt qua khó khăn để hình thành những sản phẩm từng bước chiếm lĩnh thị trường.
Đồng hành với hệ sinh thái khởi nghiệp
Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng, Quảng Nam đã trở thành một trong những địa phương tổ chức chuỗi hoạt động Techfest ở quy mô lớn. Sự kiện khẳng định hoạt động phát triển HSTKN tiếp tục mở rộng, phát triển, qua đó kết nối các thành phần trong HSTKN ngày càng chặt chẽ hơn nữa, tạo ra nhiều giá trị mới cho hệ sinh thái trong khai thác nguồn lực địa phương, tạo hành lang đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp KN sáng tạo…
Bộ KH-CN cam kết đồng hành với HSTKN Quảng Nam, đặc biệt là việc hỗ trợ doanh nghiệp KN chuyển đổi số. Bộ KH-CN có các đơn vị hỗ trợ trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu để có thể giúp việc chuyển đổi số thành công, đồng thời có các đơn vị như Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia, giúp tỉnh Quảng Nam triển khai các sản phẩm OCOP có xuất xứ một cách rõ ràng, có thể xuất khẩu đi các thị trường trên thế giới…
“Có khó khăn cứ zalo cho tôi”
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, hiện nay Đảng, Nhà nước và đặc biệt là tỉnh Quảng Nam rất quan tâm đến phát triển kinh tế mà lấy nòng cốt là thanh niên. Bất cứ yêu cầu, kiến nghị gì của thanh niên, lãnh đạo tỉnh đều tổ chức đối thoại, tháo gỡ. Nhiều kiến nghị còn được giải quyết tức thời qua zalo, điện thoại.
Hiện nay, Quảng Nam đã ban hành rất nhiều cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế, do đó thanh niên nên chịu khó tìm hiểu. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh cam kết luôn sẵn sàng đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho thanh niên KN theo cách đơn giản nhất: “Ai có khó khăn cứ zalo tới tôi”.
CÔNG SỰ – TUẤN ANH (ghi)
NGHĨ LỚN, LÀM KHÁC
Nghĩ lớn, nhưng phải làm khác, thực tế hơn, chậm rãi nhưng bền bỉ, có sức sống…, là khuyến nghị cho câu chuyện khởi nghiệp của nhiều đơn vị, doanh nghiệp.
Khởi nghiệp thận trọng
Hơn ba tạ hải sản khô của miền biển Tam Tiến (Núi Thành) đã được bán đi chỉ trong hơn hai ngày diễn ra Techfest Quảng Nam 2022. Võ Hồng Rôn – Giám đốc Công ty TNHH Tam Tiến Travel nói, đó không phải là niềm vui lớn nhất, mà quan trọng hơn, là lần đầu đến với Techfest, sản phẩm của quê nhà được đón nhận và tạo được sức hút với thị trường.
“Một sự hội tụ, kết nối, làm sản phẩm tỏa sáng mạnh mẽ hơn là dấu ấn trong Ngày hội khởi nghiệp năm nay. Các sản phẩm luôn luôn đổi mới, mẫu mã, chất lượng được chăm chút, sáng tạo, cuốn hút hơn. Nhiều địa phương phải lấy thêm hàng để phục vụ thương mại.
Tâm huyết của các đơn vị, của cộng đồng khởi nghiệp không hề giảm, nhưng cũng cho thấy sự thận trọng, bước đi từng bước chắc chắn, miệt mài tìm kiếm thị trường để sản phẩm khởi nghiệp tồn tại và phát triển”.
(Ông Phạm Ngọc Sinh – Phó Giám đốc Sở Khoa học – công nghệ, Trưởng ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh)
“Không hẳn là thứ gì đó quá to tát, mình thấy vui vì ít ra, những tín hiệu từ gian hàng cho thấy sản phẩm của quê nhà có rất nhiều tiềm năng, và hoàn toàn có thể mở rộng thị trường, thay cho những kênh bán lẻ truyền thống, vốn rất ít cơ hội cho việc quảng bá thương hiệu.
Mình có thêm nhiều khách hàng tiềm năng, đồng thời cũng giới thiệu được sản phẩm du lịch trải nghiệm mà mình đang gầy dựng, một sản phẩm hoàn toàn mới trên quê hương Tam Tiến của mình” – Rôn chia sẻ.
Doanh số bán hàng thu được hơn 3 tỷ đồng chỉ trong chưa đầy 4 ngày diễn ra Techfest Quảng Nam 2022, phần nào khẳng định được cơ hội tiếp cận thị trường của các sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm khởi nghiệp. Nhưng những xúc tiến âm thầm từ sau Techfest mới là bước đi chậm rãi nhưng chắc chắn, cũng là mục tiêu mà nhiều đơn vị hướng đến khi điền tên mình vào bảng đăng ký tham gia trưng bày.
Trong suốt 3 đêm, lượng người đến tìm thăm các gian hàng tăng mạnh, nhiều đơn hàng được ký kết, cung ứng sản phẩm cho các trường học, doanh nghiệp… Điều đó cho thấy sức hút, sự kết nối của Techfest đến với thị trường, điều mà mọi đối tượng khởi nghiệp đều rất quan tâm trong bối cảnh hiện tại.
Dù có nhiều yếu tố khả quan, song phần đông những startup đến với Techfest vẫn khẳng định đang rất thận trọng trong câu chuyện phát triển quy mô, mở rộng thị trường. Họ chọn cách đi chậm, chắc chắn, khảo sát kỹ lưỡng phân khúc khách hàng và tận dụng mọi cơ hội quảng bá, tiếp cận với thị trường mới.
Võ Thị Minh Nga – Giám đốc Công ty TNHH Minh Nga cho hay: “Đến với Techfest lần này, bên cạnh lắng nghe những kinh nghiệm từ các nhà đầu tư, mình cũng mong muốn tìm hiểu sự hứng thú của họ đối với sản phẩm bản địa, trong đó có sản phẩm gạo lức Bh’noong của mình”.
Chia sẻ bài học
Ông Đinh Duy Phú – Phó Chủ tịch HĐQT, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Flying Fish Investment khẳng định startup phải có niềm tin về sự thành công trước khi gọi vốn. Niềm tin đó được xây dựng từ quá trình tích lũy, đầu tư được sản phẩm chất lượng về ý tưởng đến hiện thực hóa, củng cố khả năng tồn tại rồi mới tính đến câu chuyện kêu gọi vốn.
“Dự án khởi nghiệp luôn phải gắn với dự kiến tài chính trung hạn, dài hạn, phải nuôi được doanh nghiệp, sau đó mới bắt đầu những công đoạn tiếp theo. Thị trường bán hàng ở miền Trung rất hẹp, do đó yêu cầu bắt buộc là phải mở rộng ra Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh. Nhưng trước khi nghĩ đến việc đó, startup phải nắm rõ dự án của mình đi được bao xa” – ông Phú nói.
Khẳng định các giá trị bản địa là không thể phủ nhận và đã có tầm ảnh hưởng nhất định trên thị trường, Shark Lê Hùng Anh – người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn BIN Corporation Group cho hay, Quảng Nam có nhiều sản phẩm đặc trưng vùng miền, trong đó có các sản phẩm OCOP đa dạng.
“Bài học mà tôi muốn nhắc, là phải đi từ quy mô nhỏ. Chết nhỏ dễ làm lại hơn chết to, cơ hội tái sinh sẽ lớn hơn. Cộng đồng khởi nghiệp nên thâm nhập thị trường một cách chậm rãi, tạo sức sống cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong thời điểm bắt đầu.
Tôi vẫn muốn nhắc lại, là không nên gọi vốn khi chỉ mới bắt đầu. Sẽ rất khó thuyết phục nhà đầu tư khi anh chưa tồn tại thật sự chắc chắn, chưa chứng minh được hiệu quả dự án của mình. Không một doanh nghiệp nào lớn, bền vững chỉ bằng tham vọng nhanh chóng vượt lên. Đó là điều không thể” – Shark Lê Hùng Anh nói.
Gặp gỡ cộng đồng khởi nghiệp Quảng Nam, Shark Lê Hùng Anh khuyến nghị nên tận dụng vốn từ quy mô nhỏ nhất, huy động nguồn lực tại chỗ và phải có doanh thu. Lý thuyết “con nhím” được vị shark này chia sẻ, là phải cân bằng được ba yếu tố, bao gồm sở trường, hiệu quả và đam mê. Đây sẽ là kiềng ba chân cho doanh nghiệp, tạo tiền đề để liên kết, cung cấp dịch vụ quy mô toàn cầu.
Thị trường ngắn, chưa có đối thủ cạnh tranh cao thì cơ hội sống càng cao, giảm áp lực đối thủ cạnh tranh, nhưng bất cứ dịch vụ nào cũng không nên bó hẹp phạm vi kinh doanh. Phải mở rộng và vươn ra quốc tế, giúp doanh nghiệp có thị trường rộng lớn, đa dạng phân khúc khách hàng, gia tăng tỷ lệ thành công.
HÒA NHỊP OCOP VÀ DU LỊCH
Lợi ích rộng mở từ việc gắn Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” – OCOP với du lịch, nhất là du lịch xanh đã được đề cập từ lâu, nhưng kết quả thu được vẫn còn quá khiêm tốn so với mong đợi.
Dư địa nhiều, kết quả ít
Quảng Nam hiện có 268 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 – 4 sao, một con số khá lớn, nằm trong tốp đầu cả nước hiện nay. Dù vậy, số sản phẩm tiếp cận tốt với thị trường du lịch không nhiều, kể cả một số sản phẩm tại Hội An. Nguyên nhân lớn nhất vẫn đến từ việc “lệch pha” giữa cung và cầu trong việc kết nối giữa OCOP với du lịch.
Theo ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, hầu hết sản phẩm OCOP của Quảng Nam chưa lồng ghép, khai thác được hàm lượng giá trị để đáp ứng cho du lịch. “Sản phẩm làng nghề, OCOP thực ra có giá trị cao hơn rất nhiều so với sản phẩm công nghiệp. Trong mỗi sản phẩm thường tích lũy giá trị văn hóa qua hàng trăm năm, tuy nhiên sản phẩm hiện nay của chúng ta lại thiếu mẫu mã, tiện ích đạt chuẩn để tiếp cận thị trường du lịch” – ông Phan Xuân Thanh nói.
Trong 6 nhóm ngành hàng của sản phẩm OCOP, nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn và điểm du lịch hiện nay rất ít ỏi, chỉ có vỏn vẹn 2 sản phẩm (chiếm 0,75% tổng số sản phẩm OCOP Quảng Nam). Trong khi đây lại là nhóm ngành có tiềm năng tạo ra giá trị gia tăng rất lớn nếu biết khai thác.
Đại diện Công ty TNHH Emic Hospitality cho hay: “Những năm gần đây chúng tôi kết hợp với 10 hộ nông dân ở làng rau hữu cơ Thanh Đông (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) để làm tour du lịch cho khách với giá hơn 1 triệu đồng/người. Từ đó chia sẻ lợi ích lại cho người nông dân khoảng 30 – 40%. Du khách đến đây để nghe tư duy, cảm nhận sự thay đổi canh tác theo hướng xanh của nông dân là chính chứ không phải đến để ăn rau hữu cơ”.
Ở 5 nhóm ngành hàng còn lại đều có những cơ hội, lợi thế riêng để có thể tiếp cận thị trường du lịch. Với xu thế phát triển du lịch xanh hiện tại, các nhóm hàng OCOP như thực phẩm – đồ uống, thảo dược hay thủ công mỹ nghệ… đều có nhiều “đất” để tận dụng. Sản phẩm duy nhất của Quảng Nam đang ở dạng tiềm năng tiếp cận chuẩn 5 sao cũng gắn chặt đầu ra với thị trường du lịch – đèn lồng Dé Lantana Hội An.
Ông Trần Văn Noa – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho rằng, các nhóm ngành hàng OCOP, nhất là nhóm thứ 6 (nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn và điểm du lịch) hiện nay dù còn khiêm tốn nhưng có tiềm năng phát triển rất lớn, với sự đồng hành của một số tổ chức nhiều kinh nghiệm như FIDR.
Trong đợt công nhận sản phẩm OCOP đạt chuẩn mới nhất vào cuối năm 2021, có thể thấy nhiều sản phẩm đạt chuẩn 4 sao trong quá trình xây dựng rất chú trọng đến việc lồng ghép, gắn với thị trường du lịch như: dịch vụ du lịch cộng đồng làng chài Tân Thành (Hội An), nước mắm Cửa Khe – Hai Hiền (Thăng Bình), bộ đĩa mo cau xứ Tiên (Tiên Phước), bộ đèn “hồn thiêng sông núi” (Điện Bàn)…
Dấn thân khởi nghiệp
Trong kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn 2021 – 2025, Sở NN&PTNT đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 07 về định mức hỗ trợ Chương trình OCOP. Năm 2021, HĐND tỉnh cũng thông qua Nghị quyết số 35 phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, trong đó bố trí mỗi năm 50 tỷ đồng để triển khai.
Theo Sở NN&PTNT, đây là những nguồn lực rất đáng kể để khởi nghiệp với sản phẩm bản địa nên những chủ thể liên quan cần tìm hiểu kỹ nhằm tìm kiếm thêm trợ lực cho dự án của mình. Lợi thế trong phát triển du lịch xanh của Quảng Nam là tài nguyên bản địa và di sản, tuy nhiên nguồn nhân lực để tiếp cận loại hình này có vẻ vẫn là một lực cản.
Ông Phan Xuân Thanh chia sẻ: “Nhân tố con người rất quan trọng. Nhiều điểm du lịch có tài nguyên thiên nhiên, di sản rất lớn, đơn cử như làng cổ Lộc Yên, Tiên Phước nhưng hầu như không có người trẻ dám dấn thân làm du lịch xanh. Hay như đối với làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh (Tam Kỳ), ban đầu phát triển rất tốt nhưng dần suy thoái do phát triển thiếu bền vững, đưa ra giá trị cung cấp cho khách quá thấp, không định vị được phân khúc sản phẩm cao cấp, có hướng đầu tư bài bản với các dịch vụ tốt hơn”.
Ông Trần Xuân Mới – Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn quản lý ATM, Huấn luyện viên quốc gia Đề án 844 (Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025) của Chính phủ cho hay, việc phát triển sản phẩm làng nghề, OCOP gắn với du lịch cần có chiến lược rõ ràng. Trong đó chú trọng gắn với thị trường, gắn với công ty du lịch. Từ đó chúng ta có thể “vẽ” một bản đồ làng nghề, sản phẩm OCOP của Quảng Nam để trở thành một chuỗi điểm đến bao gồm các sản phẩm, câu chuyện có mối tương tác với nhau.
TẠO ĐỘT PHÁ TỪ CHUYỂN ĐỔI SỐ
Hiện nay, chuyển đổi số trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Quảng Nam còn khá nhỏ lẻ. Thời gian tới, tỉnh tập trung hỗ trợ nhiều mặt để tạo bước chuyển mạnh mẽ trong lĩnh vực này, nhất là đối với phát triển dự án khởi nghiệp sáng tạo, sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản và sản phẩm OCOP.
Xu hướng tất yếu
Ông Phạm Văn Huệ – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất dầu thực vật nguyên chất Bảo Tâm (Tam Kỳ) cho biết, với những nỗ lực rất lớn của bản thân cùng sự tiếp sức từ nhiều phía, đến nay HTX có 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh là dầu phụng và dầu mè đen.
Theo khảo sát của Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH-ĐT) về nhu cầu CĐS của doanh nghiệp cho thấy, 35,3% doanh nghiệp có nhu cầu CĐS về chuỗi cung ứng sản phẩm, 41,7% có nhu cầu CĐS về môi trường làm việc, 43,1% có nhu cầu CĐS toàn diện – tích hợp hệ thống, 43,1% có nhu cầu CĐS về trải nghiệm khách hàng và bán hàng đa kênh, 45,4% có nhu cầu CĐS về quản trị và tự động hóa quy trình.
Tại Quảng Nam, theo thống kê của Sở KH-ĐT, hiện nay toàn tỉnh có tổng cộng 8.341 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 7.986 doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong số này, có 670 doanh nghiệp cung ứng các giải pháp về công nghệ thông tin phục vụ nhu cầu CĐS và hoạt động sản xuất – kinh doanh trên môi trường số.
Ông Huệ cho hay, cùng với việc cung cấp sản phẩm cho các siêu thị, đại lý lớn ở nhiều nơi trong nước thì thời gian qua HTX tích cực tham gia nhiều sàn thương mại điện tử, xem đây là kênh bán hàng chủ lực của đơn vị, nhất là trong điều kiện dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
“Khoảng 3 năm trở lại đây, HTX đã đưa dầu thực vật lên 7 sàn thương mại điện tử. Trung bình mỗi năm đơn vị bán ra khoảng 1.500 lít dầu phụng và dầu mè đen nguyên chất. Hằng năm, doanh thu từ kênh bán hàng này đạt 200 triệu đồng” – ông Huệ nói.
Tính đến cuối năm 2021, Quảng Nam có 268 sản phẩm của 207 chủ thể được công nhận đạt chuẩn OCOP. Trước những tác động xấu của dịch Covid-19, thời gian qua nhiều chủ thể sản phẩm OCOP của tỉnh phải linh hoạt trong khâu tiêu thụ sản phẩm.
Theo đó, bên cạnh bán hàng qua mạng xã hội thì các chủ thể đặc biệt quan tâm đến những sàn thương mại điện tử. Riêng năm 2021, những chủ thể OCOP của Quảng Nam đã đưa 213 sản phẩm các loại lên các sàn Voso, Postmart…
Ông Trương Thái Sơn – Trưởng phòng Công nghệ thông tin và bưu chính viễn thông (Sở TT-TT) cho biết, những năm gần đây chuyển đổi số (CĐS) trong doanh nghiệp diễn ra khá mạnh, như là một xu hướng tất yếu, một nhu cầu tự nhiên của rất nhiều doanh nghiệp nhằm đáp ứng sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng cũng như yêu cầu của công tác quản lý, điều hành.
Ông Sơn nói: “Thực tế cho thấy, CĐS giúp phát triển kênh bán hàng, mở rộng tập hợp khách hàng và phân phối đến các thị trường tiềm năng; giúp doanh nghiệp gia tăng trải nghiệm khách hàng và thiết kế, sáng tạo các sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu thị hiếu khách hàng. Đặc biệt, CĐS giúp các doanh nghiệp tối ưu chi phí vận hành, nhất là chi phí nhân sự…”.
Tiếp sức để tạo đột phá
Theo ông Trương Thái Sơn, thời gian qua việc CĐS trong các doanh nghiệp, HTX gặp rất nhiều khó khăn. Theo đó, có nhiều doanh nghiệp sợ rò rỉ dữ liệu của đơn vị; lâu nay không ít doanh nghiệp có thói quen kinh doanh theo môi trường truyền thống, khi thực hiện mô hình CĐS áp dụng quy trình và công nghệ hiện đại thì tỏ ra lúng túng; nhiều doanh nghiệp thiếu kinh phí đầu tư và nguồn nhân lực ứng dụng công nghệ số…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, để tạo bước đột phá mạnh mẽ, ngày 17.9.2021 UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 6247 về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa triển khai CĐS giai đoạn 2021 – 2025. Mục tiêu Quảng Nam đặt ra là đến năm 2025 có 1.000 doanh nghiệp trong tổng số 8.341 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh được tham gia các hội thảo, những khóa đào tạo, tập huấn để nâng cao nhận thức về CĐS và được kết nối các doanh nghiệp cung cấp nền tảng CĐS.
Cạnh đó, phấn đấu có 40% doanh nghiệp ứng dụng các hình thức thương mại điện tử và 50% doanh nghiệp có website riêng để quảng bá thương hiệu, sản phẩm. Ngoài ra, hỗ trợ tối thiểu 100 doanh nghiệp thử nghiệm các nền tảng số để CĐS…
Bà Phạm Thị Ngọc Quyên – Phó Giám đốc Sở TT-TT cho biết, để thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 6247, UBND tỉnh đã giao Sở KH-ĐT tập trung đánh giá hiện trạng, khảo sát nhu cầu về CĐS của các doanh nghiệp vừa và nhỏ để từ đó có kế hoạch cụ thể cho từng đối tượng, từng nhóm doanh nghiệp.
Đồng thời giao các doanh nghiệp lớn như FPT, Mobifone, VNPT, Viettel… chủ công, kết nối và làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp để định hướng, tư vấn cho doanh nghiệp trong CĐS. Cạnh đó, giao Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam làm cầu nối giữa các doanh nghiệp và chính quyền để nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp cũng như kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Thời gian tới, các đơn vị liên quan của tỉnh sẽ tập trung tìm kiếm, đánh giá, lựa chọn các doanh nghiệp tiềm năng, ưu tiên lĩnh vực sản xuất, chế biến, nông nghiệp, du lịch… để hỗ trợ CĐS. Hỗ trợ đánh giá mức độ sẵn sàng CĐS, mục tiêu và các điều kiện để thực hiện CĐS của doanh nghiệp được lựa chọn với các gói hỗ trợ CĐS chuyên biệt cho từng doanh nghiệp sau khi được đánh giá và lựa chọn.
Tăng cường cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhằm giảm thiểu thời gian, chi phí đi lại, xử lý thủ tục hành chính. Đẩy mạnh các hoạt động tương tác giữa người dân với doanh nghiệp qua các kênh giao tiếp chính thức của tỉnh trên zalo, cổng thông tin điện tử hỗ trợ doanh nghiệp, ứng dụng Smart Quảng Nam…
Tác giả: Báo Quảng Nam
Comment here