Bà Lương Nguyên Hà – chủ cơ sở Hà Vy cho hay, năm 2018, trà khổ qua rừng của đơn vị được UBND tỉnh công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Với hệ thống nhà xưởng đảm bảo yêu cầu, trang thiết bị máy móc hiện đại có sẵn, đặc biệt là nguồn nguyên liệu tại địa phương khá dồi dào, đầu năm 2019 cơ sở tiếp tục đăng ký tham gia thực hiện Chương trình OCOP với sản phẩm mới là trà rau má rừng nguyên chất.
Rau má được người dân địa phương (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Ca Dong ở các xã Trà Tập và Trà Dơn của huyện Nam Trà My) thu hái trên những cánh rừng và nương rẫy mang đến bán cho cơ sở với mức giá bình quân 18 nghìn đồng/kg.
Rau má sau khi thu mua được đem đi rửa sạch sẽ, loại bỏ cỏ dại lẫn tạp và những cọng – lá hư thối rồi phơi nắng cho héo. Sau đó, dùng máy sấy khô rau má, nghiền thành bột mịn rồi chuyển qua máy “5 trong 1” thực hiện các khâu chiết rót, đóng màng trà, gắn chỉ, gắn tem và đóng gói thành phẩm. Mỗi hộp có 25 túi trà rau má nguyên chất 100%.
Bà Hà cho biết: “Trong năm 2019, cơ sở của tôi thu mua không dưới một tấn rau má tươi để chế biến và đưa ra thị trường tiêu thụ khoảng 2 nghìn hộp trà rau má nguyên chất. Với giá bán 65 nghìn đồng/hộp, tổng doanh thu đạt 130 triệu đồng. Ngoài việc tổ chức bán hàng online, chúng tôi còn cung cấp sản phẩm cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn huyện Nam Trà My và bỏ sỉ cho nhiều cửa hàng, đại lý ở TP.Tam Kỳ”.
Nhờ sự hỗ trợ tích cực của các ngành liên quan ở tỉnh và huyện Nam Trà My, trong năm 2019 cơ sở Hà Vy hoàn thành khá nhanh việc thiết lập nhãn mác, in ấn bao bì cũng như đăng ký thương hiệu hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Đồng thời sớm hoàn tất hồ sơ, thủ tục theo yêu cầu để Hội đồng thẩm định cấp tỉnh kiểm tra, phân hạng và tham mưu UBND tỉnh công nhận trà rau má rừng Hà Vy đạt chuẩn OCOP 3 sao vào cuối năm ngoái.
“Trà rau má rừng nguyên chất có nhiều tác dụng như thanh nhiệt cơ thể, làm mát gan, lợi tiểu, đẹp da… nên người tiêu dùng ngày càng đón nhận. Trước nhu cầu khá lớn của thị trường, trong năm 2020 này đơn vị dự kiến sẽ chế biến và tiêu thụ khoảng 12 nghìn hộp trà rau má rừng, tăng 10 nghìn hộp so với năm 2019” – bà Hà nói.
Tác giả: