Nấm linh chi và các dược liệu của miền núi Đông Giang không quá hiếm đối với người dân bản địa nhưng đối với vợ chồng anh Nguyễn Đắc Tâm và chị Tô Thị Mai Lý (Thôn Gừng, thị trấn Prao, huyện Đông Giang) thì chúng vô cùng quý. Với mong muốn đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm để phù hợp với xu thế hiện đại, đồng thời tiện lợi cho quá trình sử dụng. Vợ chồng anh Tâm đã sáng tạo ra trà túi lọc nấm linh chi.
Trước đây, khi còn là cán bộ công tác ở Văn phòng Viettel chi nhánh Đông Giang, mỗi ngày nghỉ cuối tuần, anh Nguyễn Đắc Tâm, quê ở TP.Tam Kỳ, thường cùng người dân địa phương vào rừng tìm kiếm thảo dược. Cách đây hơn 10 năm, nấm linh chi, nấm lim xanh, sâm cao cùng nhiều loài cây thuốc khác được tìm thấy rất nhiều, ở mọi ngóc ngách trong rừng. Đối với người dân địa phương, các loại dược liệu này không quá hiếm nhưng với người đồng bằng như anh Tâm, chúng vô cùng quý.
Công tác miền núi nên mỗi khi về quê, anh thường chở về một số loại thảo dược để tặng bạn bè, người thân. Lâu dần, nhiều người đặt hàng nhờ anh mua, anh bắt đầu đi rừng nhiều hơn và thu mua lại của người dân địa phương rồi gửi về đồng bằng bán. Trong các loại thảo dược ở Đông Giang, sản phẩm được quan tâm nhiều nhất là nấm linh chi. Anh Tâm thu mua liên tục của người dân nhưng vẫn không đủ cung cấp cho khách hàng vì nhu cầu quá lớn. Đây cũng là cơ sở để anh có ý tưởng sản xuất trà túi lọc nấm linh chi như bây giờ.
“Ban đầu, mình mua giúp bà con nấm thô thôi, nấm nguyên cây hoặc ra xử lý sơ rồi thái lát, để cho bạn bè, người thân mình có nhu cầu sử dụng. Sau thời gian thì mình thấy khách hàng của mình họ không có thời gian. Mình cùng vợ mình có ý tưởng sẽ làm trà túi lọc nấm linh chi. Vì khi sử dụng trà túi lọc nấm linh chi thì dược chất của nấm sẽ được lấy hết và thời gian pha 1 ly trà nấm rất nhanh, rất tiện dụng cho người sử dụng. Thay vì cách nấu nấm như ngày xưa thì phải nấu 2 – 3 tiếng đồng hồ thì mới có để sử dụng” – Anh Tâm chia sẽ.
Từ ý tưởng đi đến thực thi phải qua một qúa trình dài nghiên cứu, thử nghiệm. Ban đầu, vợ chồng anh Tâm mua các thiết bị thô sơ như máy nghiền, máy sấy nấm rồi tự cho vào túi lọc theo phương thức thủ công. Nhưng khác với các loại thảo dược thân củ, nấm có độ xốp nhất định và nở mạnh khi gặp nước nóng. Vì vậy, để cho bột nấm vào túi lọc cần có máy móc chuyên dụng, hiện đại với chi phí đầu tư cao. Cơ sở sản xuất đang ở quy mô nhỏ nên công đoạn đóng gói túi lọc anh Tâm đang gửi gia công. Còn những công đoạn khác, cơ sở tự sản xuất và làm chủ công thức.
So với việc sử dụng nấm thô thái lát thì một gói trà túi lọc như thế này tiện dụng hơn rất nhiều. Bột nấm được sấy tiệt trùng, đảm bảo an toàn cho sức khoẻ, pha với 5% tam thất, 5% cỏ ngọt để trung hoà vị đắng. Chỉ mất 5 – 10 phút là có một ấm trà nấm linh chi bổ dưỡng.
Sản phẩm trà túi lọc nấm linh chi Tâm Uyên ra mắt thị trường vào đầu năm 2023, hiện đang cung cấp cho các cửa hàng dược liệu, nhà hàng, khu du lịch ở Quảng Nam, Đà Nẵng. Mỗi tháng, cơ sở của anh Tâm thu mua khoảng 100kg nấm thô nguyên liệu từ người dân địa phương, sản xuất khoảng 150 – 200 hộp sản phẩm. Mỗi hộp như thế này có 25 gói, giá bán lẻ trên thị trường 98 nghìn đồng. Doanh thu hiện tại từ sản phẩm trà túi lọc nấm linh chỉ khoảng 15 – 20 triệu đồng mỗi tháng.
Ông Huỳnh Văn Tân – Chủ tịch UBND thị trấn Prao, huyện Đông Giang cho biết: “Trong thời gian qua, địa phương cũng có nhiều động viên để hộ phát triển trà túi lọc. Trong năm nay thì cũng được công nhận là một sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo của địa phương. Hiện tại, địa phương cũng tạo điều kiện và động viên hộ lập hồ sơ và đề nghị công nhận sản phẩm OCOP. Phấn đấu nhân số lượng sản phẩm OCOP trên địa bàn ngày càng nhiều hơn, đáp ứng yêu cầu chung và phát triển của địa phương”.
Đây là sản phẩm khởi nghiệp được UBND tỉnh công nhận năm 2023. Tin rằng, với những giá trị mà trà túi lọc nấm linh chi mang lại, sản phẩm này sẽ phát triển mạnh mẽ trên thị trường trong thời gian tới.
Tác giả: An Nhiên
Comment here