Diễn đàn khởi nghiệp sáng tạo “Tạo lập và phát triển hệ sinh thái du lịch từ làng cổ Lộc Yên” diễn ra đầu tháng 01 năm 2020 tại Tiên Phước thu hút nhiều ý kiến góp ý của các chuyên gia, doanh nghiệp. Lộc Yên sẽ phát triển du lịch theo hướng nào là câu chuyện được nhiều đại biểu quan tâm.
Chưa khai thác hiệu quả
Theo ông Phạm Ngọc Sinh – Phó Giám đốc Sở KH&CN, Tổ trưởng Tổ công tác hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh, làng cổ Lộc Yên là di tích sống. Điều đó có nghĩa là nó luôn được thay đổi và phát triển. Dưới góc độ du lịch, người ta tìm về Lộc Yên là tìm đến sự thơ mộng và hoài niệm bên ngõ đá rêu phong. Không gian làng cổ Lộc Yên già cỗi và mềm yếu, mong manh nên sẽ có nguy cơ thay hình đổi dạng.
“Thay đổi có thể là mất mát, chúng ta chưa thấy hoặc thấy chưa hết những tác hại của nó. Nghiên cứu văn hóa làng Lộc Yên để mở ra hướng phát triển cho Lộc Yên, cho Tiên Phước là hướng đi đúng trong xu thế phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch trên nền tảng giá trị văn hóa. Khi bàn đến làng cổ Lộc Yên là bàn đến không gian mở hơn, đa chiều hơn. Cách tiếp cận ấy cho phép chúng ta nghĩ đến tạo lập và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp du lịch làng cổ Lộc Yên là nghĩ đến các giá trị của vùng lân cận, rộng hơn là toàn bộ không gian phía nam của tỉnh. Trên giá trị cốt lõi làng cổ Lộc Yên, chúng ta xây dựng mối liên kết lịch sử – văn hóa, thắng cảnh toàn vùng” – ông Sinh nói.
Thời gian qua, Tiên Phước đã xác định phát triển du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp nông thôn, lấy không gian làng cổ Lộc Yên làm điểm nhấn. Đồng thời, kết hợp phát triển các sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách như sản phẩm OCOP, ẩm thực đặc trưng Tiên Phước, các đặc sản cây trái như lòn bon, tiêu, quế, chè, dó trầm, chuối, mít… Tiên Phước đã hợp đồng với chuyên gia tư vấn du lịch cộng đồng thực hiện công tác hỗ trợ dân thiết kế, xây dựng 6 homestay, phát triển du lịch cộng đồng tại Lộc Yên, Thanh Khê và khu sinh thái Hố Quờn… Huyện đã khảo sát tổng thể các xã và vùng phụ cận, lập báo cáo chi tiết các tiềm năng, giá trị, những khó khăn cần khắc phục; hướng dẫn 6 hộ dân làm homestay (từ 60 chỗ ngủ trở lên); tập huấn lãnh đạo và người dân tham gia về du lịch cộng đồng… Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều rào cản trong tạo lập hệ sinh thái du lịch từ làng cổ Lộc Yên.
Theo ông Phùng Văn Huy – Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, những năm qua, mặc dù lượng khách về Tiên Phước khá lớn, nhưng hoạt động du lịch vẫn còn ở dạng tiềm năng, chưa được khai thác hiệu quả, chưa có sự tham gia của các doanh nghiệp, chưa tạo được một hệ sinh thái du lịch toàn diện cho vùng Nam Quảng Nam để tương tác hỗ trợ nhau cùng phát triển. Huyện chưa xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng, các hoạt động hoặc sản phẩm gia tăng giá trị du lịch. Mặc dù có nhiều đề án, chương trình đầu tư của tỉnh cho du lịch miền núi, du lịch phía nam nhưng Tiên Phước vẫn chưa thu hút được nguồn vốn từ doanh nghiệp đầu tư để phát triển du lịch với quy mô lớn, chất lượng cao. Lực lượng lao động trong ngành du lịch còn ít, mang tính thời vụ, thiếu chuyên nghiệp. Tư duy du lịch cộng đồng và vốn đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch, nhất là mô hình du lịch cộng đồng mà Tiên Phước đang hướng đến.
Hiến kế cho Lộc Yên
Ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh khẳng định Tiên Phước trở thành điểm đến đáp ứng các lợi thế để đầu tư và phát triển dịch vụ với những sáng tạo khởi nghiệp, và lợi thế hơn khi được Tập đoàn Thiên Minh đồng hành. Và Tiên Phước phải có hướng đi mới, phải tạo ra sự khác biệt về du lịch trong tiến trình đi sau về muộn hơn so với Hội An, lấy Hội An làm trung tâm du lịch để kết nối trong xây dựng sản phẩm. Làng cổ Lộc Yên phù hợp với mô hình farmstay, du lịch trang trại nông nghiệp kết hợp lưu trú, có hợp tác xã trang trại nông nghiệp rau sạch hữu cơ, kết hợp xây dựng kiến trúc nhà gỗ lắp ghép hoặc nhà gỗ thông minh di động hay nhà làm bằng tre thiết kế đẹp, độc, lạ, vật liệu xây dựng gần gũi thiên nhiên môi trường, giảm số tiền lớn chuyển quyền sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang thổ cư, tránh tình trạng bê tông hóa trong xây dựng. Các hình thức nên hướng tới gồm du lịch chăm sóc sức khỏe và tinh thần, nghỉ dưỡng; tour trải nghiệm làm nông, ruộng bậc thang; sản phẩm spa với hương liệu, được liệu quế, hương trầm; dịch vụ lưu trú nhà dân…
Tập đoàn Thiên Minh là đơn vị cam kết hỗ trợ Tiên Phước phát triển du lịch từ nền tảng cốt lõi là làng cổ Lộc Yên. Ông Trần Trọng Kiên – Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh cho biết, Tiên Phước và làng cổ Lộc Yên cần nhìn vào những nơi đã phát triển du lịch trước để rút ra bài học trong phát triển bền vững. Lộc Yên và vùng phụ cận cần xúc tiến đầu tư phát triển sản phẩm du lịch xanh, du lịch trải nghiệm gắn với hệ sinh thái và hoạt động lao động sản xuất của người dân địa phương.
Tập đoàn Thiên Minh cùng huyện Tiên Phước đã ký kết thỏa thuận ghi nhớ hợp tác, trong đó Thiên Minh sẽ hỗ trợ huyện trong công tác đào tạo và phát triển các dự án khởi nghiệp tại Lộc Yên và các vùng lân cận trên địa bàn huyện; giới thiệu tiềm năng du lịch, văn hóa tại các sự kiện, diễn đàn về phát triển du lịch; thuê chuyên gia và hỗ trợ kinh phí xây dựng đề án phát triển du lịch làng cổ Lộc Yên. Thiên Minh cũng sẽ tổ chức các tour, tuyến du lịch tại làng cổ Lộc Yên và vùng phụ cận; nghiên cứu, xúc tiến xây dựng khu du lịch sinh thái tại Tiên Phước trong thời gian phù hợp.
Tác giả: