Khơi dậy tinh thần doanh nhân
Ông Phạm Ngọc Sinh – Phó Giám đốc Sở KH-CN, Trưởng ban Điều hành hỗ trợ KNĐMST tỉnh cho biết, vào những ngày cuối năm 2016, ngay sau buổi khảo sát của lãnh đạo UBND tỉnh tại TP.Đà Nẵng, ông và một số cán bộ, công chức và doanh nhân được… “thăng chức” khi được giao nhiệm vụ tham mưu xây dựng hệ sinh thái KNĐMST tỉnh (gọi tắt là hệ sinh thái). Vừa tham gia công tác quản lý một ngành cấp tỉnh, ông và các đồng nghiệp vừa phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tìm kiếm, khơi dậy, tạo lập từng nội dung để định hình một hệ sinh thái, mà trước đó chưa mấy ai hiểu biết gì, là công việc hoàn toàn bất ngờ, lo toan và cũng đầy thú vị.
“Rất nhiều người và anh em báo chí gọi chúng tôi là “người vác tù và thời 4.0”. Cứ thế, chúng tôi miệt mài thực hiện nhiệm vụ theo kiểu “dò đá qua sông”, với suy nghĩ cứ đi sẽ thành đường và cứ đi sẽ đến đích” – ông Sinh chia sẻ.
Theo ông Sinh, kết thúc giai đoạn I (2017 – 2020), công tác xây dựng hệ sinh thái Quảng Nam đạt nhiều kết quả nổi bật, về đích trước một năm các chỉ tiêu đặt ra, tinh thần KN lan tỏa mạnh trong xã hội; được Bộ KH-CN chọn là mô hình mẫu và đầu mối kết nối hệ sinh thái khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Bước vào giai đoạn II (2021 – 2025), Ban Điều hành hỗ trợ KNST tỉnh được UBND tỉnh giao nhiệm vụ tham mưu trình HĐND tỉnh xem xét cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái.
Khi cơ chế được ban hành sẽ tạo động lực, huy động nguồn lực hướng đến mục tiêu cơ bản: “Phát triển hệ sinh thái, tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động KNĐMST; thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và ĐMST trong doanh nghiệp”.
Cụ thể, mở rộng hình thức kết nối cộng đồng KN quốc gia, quốc tế và duy trì tổ chức ngày hội KN các cấp; khơi dậy, tạo lập và lan tỏa tinh thần KNĐMST; phát huy giá trị văn hóa canh tân, đổi mới, dấn thân, “sứ mệnh” doanh nhân về khởi sự kinh doanh tiến tới KN, KNĐMST. Đồng thời đề cao và phát huy vai trò đồng hành, cam kết hỗ trợ của chính quyền và sự vào cuộc khuyến khích, động viên của hệ thống chính trị – một thành tố quan trọng của hệ sinh thái, hướng đến xóa bỏ mọi rào cản tâm lý xã hội, nhất là tâm lý e ngại, sợ thất bại… để đẩy mạnh và lan tỏa tinh thần KN. Qua đó, sẽ huy động đông đảo doanh nghiệp, doanh nhân thành công trở thành nhà đầu tư, hỗ trợ KN; các ý tưởng sáng tạo có nhiều cơ hội phát triển dự án KN, hướng đến thành lập doanh nghiệp KN sáng tạo.
Bên cạnh đó, chú trọng định hình, khơi dậy tư duy và trang bị kiến thức nền về KN sáng tạo cho học sinh, sinh viên – nguồn nhân lực của hệ sinh thái bền vững. Công tác hỗ trợ, tương tác đầu tiên của UBND cấp huyện, các tổ chức Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên sẽ tạo dự án KN và phong trào KN mạnh mẽ. Đi đôi với việc lồng ghép và tương tác mô hình KN từ thế mạnh địa phương: KN – sản phẩm công nghiệp nông thôn – OCOP…; đẩy mạnh hợp tác KN sáng tạo trong nước và quốc tế.
“Tuy nhiên, tôi xin nhấn mạnh lại rằng, văn hóa KN, tinh thần KN, tinh thần doanh nhân, tinh thần dấn thân, dám chấp nhận thất bại, tái KN luôn là nền tảng, giá trị cốt lõi của bất cứ hệ sinh thái nào. Nếu không có nó, mọi sự hỗ trợ của Nhà nước, của các tổ chức, cá nhân cũng sẽ nửa chừng, kém phát huy hiệu quả” – ông Sinh nói.
Định vị thương hiệu khởi nghiệp
Theo ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ KH-CN), Quảng Nam là địa phương điển hình trong việc chủ động, sáng tạo xây dựng hệ sinh thái KNĐMST gắn với đặc thù của địa phương. Nhiều địa phương đang học tập các mô hình liên kết của Quảng Nam như sáng kiến hình thành tổ công tác liên ngành, tiếp theo là ban điều phối, rồi mạng lưới liên kết vùng nhằm thúc đẩy sự gắn kết giữa các chủ thể trong hệ sinh thái. Trong chặng đường sắp tới, Quảng Nam cần có giải pháp để thu hút nhiều nguồn lực hơn, đặc biệt là các chuyên gia có uy tín, kinh nghiệm ở trong và ngoài nước, về với Quảng Nam để cùng xây dựng hệ sinh thái. Bên cạnh đó, cần sớm hình thành mô hình quỹ dành cho KNĐMST tại địa phương để tài trợ, đầu tư vốn mồi cho các dự án. Quảng Nam cũng có thể nghiên cứu ban hành một số chính sách đặc thù thúc đẩy liên kết mạng lưới, hỗ trợ doanh nghiệp KN sáng tạo, nhà đầu tư, cố vấn, huấn luyện viên để môi trường KN sáng tạo của tỉnh ngày càng hấp dẫn hơn. Đồng thời có các sáng kiến thúc đẩy kết nối giữa các trung tâm hỗ trợ để nhân rộng các mô hình tốt của các địa phương, phát triển thị trường cho các sản phẩm công nghệ mới, vinh danh cá nhân, doanh nghiệp tiên phong trong KNĐMST, vinh danh các tập đoàn, doanh nghiệp, chuyên gia trong hỗ trợ KN…
Muốn hệ sinh thái KNĐMST tỉnh mạnh, đòi hỏi các huyện, thị xã, thành phố cần vào cuộc xây dựng, phát triển hệ sinh thái của mỗi địa phương.
Đi cùng với hoạt động hỗ trợ KN trên địa bàn tỉnh, trong 3 năm qua, TP.Tam Kỳ đã có những bước đi mạnh dạn, sáng tạo trong công tác hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái KNĐMST.
Ông Nguyễn Minh Nam – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Tam Kỳ cho biết, trong quan điểm chỉ đạo phong trào KN, Tam Kỳ xác định thúc đẩy KN toàn diện, từ thành viên Câu lạc bộ KN sáng tạo đến lực lượng phụ nữ, thanh niên KN, với phương châm chú trọng hỗ trợ từng thành viên KN với các doanh nghiệp của họ lớn mạnh để làm nền tảng thúc đẩy phong trào KN trên địa bàn. Trong đó đặc biệt chú trọng khởi sự kinh doanh, KN kinh doanh, sau đó mới gắn với đổi mới sáng tạo. Đó là hướng thực chất, bền vững và phù hợp với điều kiện của địa phương.
“Chúng tôi xác định đội ngũ doanh nghiệp KN trong tương lai phát triển sẽ kế cận lớp doanh nghiệp hiện nay. Vì thế, Tam Kỳ nói riêng và Quảng Nam nói chung cần rà soát, đánh giá lại hoạt động hỗ trợ KN từ năm 2016 đến nay để điều chỉnh kế hoạch xây dựng hệ sinh thái giai đoạn mới, theo quan điểm thúc đẩy KN sáng tạo, sản xuất kinh doanh, hình thành nên các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lớn là nhiệm vụ quan trọng của hệ thống chính trị” – ông Nam cho hay.17
Đồng quan điểm, ông Trần Quốc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VN Đà Thành cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp chính là chủ thể kiến tạo hệ sinh thái KN. Trong đó doanh nghiệp KN đóng vai trò trung tâm, dẫn dắt và các doanh nghiệp lớn đóng vai trò hỗ trợ, là chỗ dựa cho các doanh nghiệp KN phát triển. Có cộng đồng doanh nghiệp tốt sẽ có hệ sinh thái KN tốt. Chính vì vậy, trước mắt, tỉnh cần ưu tiên các giải pháp nhằm phục hồi nền kinh tế sau dịch Covid-19, đồng thời tăng cường quảng bá tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa vùng miền để có thể thu hút doanh nghiệp và nhà đầu tư. Hỗ trợ mở rộng các mô hình kinh doanh sản phẩm đặc sản, dịch vụ khai thác lợi thế vùng sẽ tạo động lực cho các bạn trẻ KN sáng tạo trên chính quê hương.
Trong khi đó, ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, để hệ sinh thái tiếp tục đi đúng hướng, bền vững và tránh việc làm theo phong trào, Quảng Nam trong giai đoạn tiếp theo cần xây dựng những kế hoạch đi vào chiều sâu. Cụ thể, phải định vị được một thương hiệu về KN riêng biệt mà khi nhắc đến KN trong lĩnh vực đó người ta sẽ nghĩ ngay đến Quảng Nam. Chẳng hạn Quảng Nam là một nơi ươm tạo các dự án KN du lịch thông minh, du lịch bền vững, những dự án có sản phẩm tái chế giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường…
“Đây là giai đoạn cần tìm tòi và ươm tạo những ý tưởng, những dự án cụ thể để hỗ trợ, đầu tư và phát triển trở thành những mô hình kinh doanh điển hình, sáng tạo và thông minh. Nếu có được những dự án start-up mang lại kết quả như vậy thì mới khẳng định được hệ sinh thái KN của tỉnh” – ông Thanh nói.