Bảo hộ nhãn hiệu tập thể (NHTT), nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) là một trong những cách giúp cho đặc sản và sản phẩm truyền thống của Quảng Nam tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Hiệu quả thiết thực
Được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) bảo hộ NHCN cho các sản phẩm chế biến nhàu từ tháng 11.2019, đến nay, nhàu lát khô, bột nhàu, viên nhàu, trà túi lọc, nhàu tươi ngâm mật ong, rễ nhàu rừng của cơ sở Best One bán rất chạy trên thị trường toàn quốc.
Bà Bùi Thị Tuyết Nhung – chủ cơ sở Best One cho biết, các sản phẩm nhàu đã được phân phối độc quyền ở TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội và tỉnh Vũng Tàu. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nhưng doanh thu của Best One trong nửa cuối tháng 7 và nửa đầu tháng 8 vẫn ổn định.
“NHCH là cơ sở để tôi xác lập niềm tin, ký kết các hợp đồng với doanh nghiệp, rộng mở thị trường. Khi chưa được bảo hộ, hàng hóa của tôi bán lẻ tẻ, doanh thu rất thấp. Bảo hộ nhãn hiệu giúp tôi ngăn chặn người khác đưa ra thị trường các sản phẩm giống hoặc tương tự, tránh hàng nhái, hàng giả” – bà Nhung nói.
NHTT, NHCN góp phần phát triển giá trị của các sản phẩm, tạo dựng thương hiệu bền vững cho các sản phẩm đặc trưng. Người sản xuất chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm được bảo hộ, còn người tiêu dùng dễ dàng nhận biết, sẽ tẩy chay nhà sản xuất nếu chất lượng hàng hóa không đảm bảo.
Theo ông Trương Cảm – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Ái Nghĩa (Đại Lộc), nhờ được bảo hộ NHTT mà bánh tráng Đại Lộc đã xâm nhập sâu rộng thị trường cả nước. Bởi NHTT gắn liền với bao bì nhãn mác, chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc nên khẳng định thương hiệu và chất lượng trên thị trường. Quan trọng hơn, sản phẩm là độc quyền nên tăng tính cạnh tranh với các sản phẩm bánh tráng khác.
“Sự phát triển của làng nghề bánh tráng Đại Lộc gắn liền với bảo hộ NHTT. Có nhiều thời điểm, làng nghề có nguy cơ xóa sổ. Nhưng vượt qua các khó khăn, chúng tôi đang xây dựng làng nghề bánh tráng ngày càng khởi sắc, quy mô lớn hơn, xã viên có nguồn thu nhập khá, tạo thêm thương hiệu cho hàng hóa xuất xứ từ Đại Lộc nói riêng, Quảng Nam nói chung” – ông Cảm nói.
Khuyến khích, hỗ trợ
Ông Phạm Ngọc Sinh – Phó Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ cho biết, NHTT, NHCN được bảo hộ tạo ra chứng cứ về quyền – yếu tố quan trọng hạn chế tranh chấp. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm không là yêu cầu bắt buộc, quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu chỉ được xác lập nếu chủ thể tiến hành các thủ tục đăng ký xác lập quyền nhãn hiệu sản phẩm với Cục Sở hữu trí tuệ, được cơ quan này chứng nhận. Nếu chủ thể không đăng ký hoặc không được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu thì tên của sản phẩm đó mọi người đều có quyền sử dụng. Nghĩa là, các làng nghề, các cơ sở sản xuất, các cá nhân, tổ chức, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh cần đăng ký bảo hộ NHTT, NHCN để không bị chủ thể khác đăng ký, độc quyền bảo hộ sản phẩm, hàng hóa cùng loại. Quảng Nam có 2 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ là cây quế Trà My, sâm Ngọc Linh và đang thực hiện thủ tục bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho yến sào Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An). | Quảng Nam hiện có gần 80 NHTT, NHCN đang được bảo hộ cho các sản phẩm đặc sản, làng nghề truyền thống. Không chỉ khuyến khích, tỉnh đã có nhiều mức hỗ trợ từ 5 đến 30 triệu đồng cho một mô hình thực hiện bảo hộ nhãn hiệu. Về các thủ tục gồm xây dựng quy chế, thiết kế logo, đăng ký tờ khai, xây dựng bản đồ địa danh, tra cứu phân loại sản phẩm đăng ký, địa danh để đăng ký nhãn hiệu, Sở Khoa học và công nghệ sẽ hỗ trợ thực hiện. |
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm, hàng hóa là đòi hỏi “sống còn” của các hợp tác xã, làng nghề, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đơn vị đang phối hợp với Sở Khoa học và công nghệ cùng các ngành liên quan giúp chủ thể sản phẩm đặc sản, truyền thống, sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) thực hiện bảo hộ nhãn hiệu. Cùng với đó, áp dụng các mức hỗ trợ của UBND tỉnh giúp chủ thể sản xuất sạch, chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, cung cấp hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường để tăng giá trị kinh tế.
Tác giả: