Từ đầu năm đến nay, “khởi nghiệp”,“startup” là những từ khóa nóng. Các cuộc thi khởi nghiệp, hội thảo bàn về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, các khóa học về khởi nghiệp diễn ra rất nhiều. Nhưng từ đầu năm đến nay, có bao nhiêu startup Việt Nam gọi được vốn đầu tư – được xem là chỉ dấu thành công với các startup?
Câu trả lời là rất ít, chỉ khoảng 10 cái tên như Triip Me, Toong, MoMo, VnTrip, ViCare… Startup chỉ được xem là thành công bước đầu nếu gọi được vốn từ nhà đầu tư thiên thần hay vốn hạt giống. Những nguồn vốn này chỉ đủ để nuôi dưỡng giấc mơ. Qua được những vòng gọi vốn để tăng trưởng như Series A, Series B… mới thực sự được coi là thành công.
Nguyên nhân không thành công trong gọi vốn có thể là do sản phẩm có thị trường nhưng bản thân sản phẩm chưa đủ tốt, hoặc sản phẩm tốt nhưng thị trường chưa đủ dung lượng. Kể cả sản phẩm vừa tốt lại vừa có thị trường vẫn không gọi được vốn vì chính các startupkhông có nhiều mối quan hệ, thiếu năng động trong việc đi tìm nhà đầu tư. “Các nhà đầu tư không có thời gian lượn lờ mọi chỗ để tìm chỗ rót vốn đâu, các startup phải tìm đến họ, chứ đừng thụ động”, Christian Hưng Nguyễn, đồng sáng lập startup đặt bàn ăn Offpeak nhận xét.
Năm ngoái, sau khi nhận vốn vòng Series A từ nhà đầu tư mạo hiểm Trung Quốc Gobi Partners, Offpeak vừa tiếp tục phát triển sản phẩm, cộng đồng người dùng và mạng lưới nhà hàng, vừa hối hả chuẩn bị vòng gọi vốn Series B. “Chúng tôi lọc ra một danh sách hơn 200 nhà đầu tư có liên quan đến ngành của mình, sau đó gửi email giới thiệu tất cả các thông tin về công ty đến họ và xin gặp họ. Tháng 1-2016, chúng tôi bắt đầu thực hiện những chuyến đi để gặp các nhà đầu tư”, Hưng kể.
“Có nhiều nhà đầu tư từ chối gặp, bởi họ đã đầu tư đủ vào ngành này, hoặc họ muốn đầu tư vào các dự án nhỏ hơn. Có ngày chúng tôi gặp ba nhà đầu tư, có ngày chúng tôi chờ gặp một nhà đầu tư cả buổi mà không gặp được. Nói chung để gặp được họ, bạn phải kiên trì. Bạn phải vào cuộc săn này với tâm thế kể được câu chuyện của mình cho người ta chịu ngồi nghe là đã xem như thành công một phần. Các nhà đầu tư cũng sinh hoạt theo một cộng đồng, nếu họ nghe câu chuyện của bạn rồi, họ cảm thấy không phù hợp với họ thì họ sẵn lòng giới thiệu bạn cho một nhà đầu tư khác phù hợp hơn, và lời giới thiệu từ các nhà đầu tư rất có sức nặng”.
Offpeak tìm được nhà đầu tư Yahoo Japan Capital cũng từ giới thiệu của một nhà đầu tư khác. Nếu như năm ngoái, chỉ 3 tuần sau khi ra mắt, Offpeak kiếm được vốn từ Gobi Partners thì lần này, phải mất 6 tháng mới thuyết phục được Yahoo Japan Capital. “Chúng tôi gặp họ vào tháng 3-2016 và ký một hợp đồng gọi là ‘hợp đồng bảo mật thông tin’, có nghĩa trong quá trình đàm phán, không bên nào được tiết lộ ra bên ngoài họ đang thực hiện một cuộc đàm phán như vậy. Người Nhật Bản làm việc rất kỹ, họ khảo sát từng số liệu một, rồi sau 3 tháng, họ mới trình dự án đầu tư này lên một hội đồng đầu tư trong công ty để hội đồng này xét duyệt. Mất 3 tháng cùng với những vòng khảo sát nữa, họ mới đi đến quyết định ký hợp đồng vào tháng 9-2016”.
Yahoo Japan Capital là công tư đầu tư mạo hiểm có vốn chính từ Yahoo Japan. Yahoo toàn cầu đang xất bất xang bang nhưng Yahoo Japan (với 35,5% vốn của Yahoo toàn cầu) vẫn rất mạnh. Ở Nhật Bản, Yahoo mạnh như Google ở Mỹ. Yahoo Japan Capital đang mở rộng đầu tư vốn mạo hiểm sang Israel, Ấn Độ và Đông Nam Á, vì thị trường Nhật Bản vốn là thị trường đã trưởng thành, khó có suất lợi nhuận cao trong đầu tư mạo hiểm. Ở Nhật Bản đã có mô hình F&B (ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống) tương tự như Offpeak là Hot Pepper. Khi bắt đầu đàm phán với Yahoo Japa Capital, Offpeak vận hành tại 4 nước Việt Nam, Malaysia, Singapore và Thái Lan, có tỷ lệ khách đặt bàn ăn 70 giây/bàn. Đến nay, tỷ lệ đó là 30 giây/bàn.
Song song với việc đàm phán với Yahoo Japan Capital thì Offpeak cũng phải đàm phán để Gobi Partners tăng vốn nhằm giữ tỷ lệ cổ phần. Nếu nhà đầu tư vòng Series A lắc đầu không hợp tác với nhà đầu tư vòng Series B thì startup cũng bó tay. Nhưng trường hợp này thuận lợi hơn, vì giới làm ăn rất coi trọng uy tín của người Nhật, có thêm một nhà đầu tư mạo hiểm Nhật Bản ngồi chung bàn, tiếng tăm startup được nâng lên nhiều.
Một startup gọi được vốn mạo hiểm hợp doanh (corporate venture capital – CVC) đã khó, gọi được vốn mạo hiểm thuần túy (venture capital – VC) còn khó hơn. CVC thường là vốn từ các tập đoàn, công ty lớn, họ thường đầu tư vào các công ty cùng ngành hoặc có quyền lợi liên quan đến việc của họ, họ đòi quyền ngồi vào ban lãnh đạo các startup và đến một lúc nào đó, họ có thể hất người sáng lập ra khỏi vị trí lãnh đạo. Còn các VC chỉ quan tâm đến tiềm năng lợi nhuận, không cần có ghế trong ban lãnh đạo, nên để chiếm được lòng tin của các VC rất khó. Yahoo Japan Capital là một dạng VC. Nhưng ở Việt Nam, có đến 90% các nhà đầu tư thuộc dạng CVC.
“Thuyết phục một VC thuần túy rất khó”, Hưng Nguyễn, CEO Offpeak Việt Nam cho biết, “Họ chấp nhận mạo hiểm mất hết tiền nên họ xem xét nhân sự, người sáng lập, lãnh đạo startuprất kỹ. Với một VC, sản phẩm của startup chỉ chiếm 50%, con người chiếm 50% còn lại. VC thích những người đã từng thất bại hơn là những người chưa bao giờ làm. VC có thể đầu tư vào một startup chỉ vì con người ở startup đó xuất sắc, trong khi họ biết chắc sản phẩm củastartup đó sẽ thua trên thị trường. Vì nếu startup đó thua thì VC cũng đã nắm chắc trong tay những con người xuất sắc để tạo dựng một startup khác thành công”.
“Nên với các bạn trẻ khởi nghiệp, hãy rèn luyện bản lĩnh cho mình, ngã xuống thì hãy cố gắng đứng lên. Hãy chủ động đi tìm những nhà đầu tư, hãy mang câu chuyện của mình kể cho nhiều người, càng nhiều người nghe thì càng có cơ hội lớn tìm kiếm nhà đầu tư. Và càng kể câu chuyện của mình nhiều thì câu chuyện sẽ càng có sức hút, nó giống như đi học tiếng Anh, phải nói nhiều mới giỏi được”.
Chính Phong | Theo Thesaigontimes
Tác giả:
Comment here