Sự kiện khởi nghiệpTin tức sự kiện

Cần thêm trợ lực để sản phẩm khởi nghiệp phát triển hơn ở thị trường phía Nam

Hiện nay, nhiều sản phẩm khởi nghiệp, OCOP, sản phẩm công nghiệp – nông thôn tiêu biểu của Quảng Nam đã xuất hiện trên kệ hàng của thị trường miền Nam nhờ sự kết nối của bà con đồng hương. Tuy nhiên, để hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh hơn nữa thì cần sự hỗ trợ và nguồn lực từ nhiều phía.

Nhờ hoạt động kết nối đồng hương tại TP.Hồ Chí Minh, chị Ly đã đưa thương hiệu tiếp cận thị trường miền Nam. Ảnh: A.N

Gia đình chị Phan Thị Ly (thôn Triêm Đông, phường Điện Phương, thị xã Điện Bàn) có truyền thống 4 đời làm nghề bánh khô mè. Sau khi tiếp quản lại lại lò bánh của ba mình đến nay đã được hơn 10 năm thì đến năm 2022, khi được mời tham gia trưng bày sản phẩm quê hương tại Ngày hội đồng hương phường Điện Phương tại TP.Hồ Chí Minh, chị Ly mới thực sự tiếp cận được thị trường phía Nam. Tại đây, các anh chị trong HĐH phường Điện Phương đã giới thiệu cho chị Ly đưa sản phẩm vào cung cấp cho các cửa hàng tại chợ bà Hoa – một khu chợ chuyên các đặc sản xứ Quảng. Không những vậy, thông qua hoạt động kết nối đồng hương tại TP.Hồ Chí Minh, chị Ly còn có thêm một số lượng khách hàng mới, thậm chí có khách còn thường xuyên mua bánh khô mè để gửi sáng bà con ở nước ngoài. “Từ sau sự kiện đồng hương này thì mình mới biết được thị trường miền Nam cũng khá tiềm năng, dù bánh khô mè chỉ có người miền Trung biết đến. Riêng doanh thu từ các đại lý ở chợ bà Hoa, mỗi tháng đều mang về khoảng 10 triệu đồng, những tháng cuối năm lên đến 40 triệu đồng. Đây là khoản doanh thu bền vững vì nhu cầu sử dụng bánh khô mè hằng ngày của người Quảng xa quê rất lớn, họ vẫn giữ thói quen ăn miếng bánh, nhấp ngụm trà như một cách để thoả lòng nhớ quê” – chị Ly nói.

Sản phẩm khởi nghiệp, OCOP của HTX Duy Oanh được bà con ủng hộ nhiệt tình. Ảnh: A.N

Cũng tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm ở nhiều sự kiện xúc tiến thương mại những lần gặp mặt đồng hương tại TP.Hồ Chí Minh, chị Phạm Thị Duy Mỹ – Giám đốc HTX Duy Oanh (Duy Xuyên) cảm nhận được tình cảm của bà con nơi xứ người. Các sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm là hàng nông sản đạt chứng nhận OCOP mang vào miền Nam lúc nào cũng hết sạch vì được bà con ủng hộ nhiệt tình. Tuy nhiên, công tác kết nối chỉ dừng lại ở hiện trạng bán lẻ chứ chưa tiếp cận được những đơn vị lớn, nhà phân phối để tiến tới việc hợp tác lâu dài, thương mại hàng số lượng lớn. Chị Mỹ mong muốn, ngoài được tham gia quảng bá, bán lẻ tại các sự kiện đồng hương ở thành phố, các anh chị, doanh nghiệp đồng hương có thể kết nối hỗ trợ chúng mình trong việc tiếp cận với các chuỗi cửa hàng đặc thù, phù hợp với sản phẩm xứ Quảng quê mình để có hướng đi bền vững hơn.

Theo ông Hồ Văn Thanh – Tổng Thư ký HĐH Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh, chính vì mục đích xúc tiến thương mại và thu hút đầu tư năm nay được chú trọng nên chương trình của sự kiện Những ngày văn hoá đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh cũng có nhiều hoạt động liên quan đến 2 lĩnh vực này. Tại diễn đàn khởi nghiệp quốc gia “Liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp Quảng Nam tại phía Nam”, theo kế hoạch, ban tổ chức có mời một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, phát triển chuỗi và các chuyên gia cố vấn khởi nghiệp, các dự án khởi nghiệp tiêu biểu phía Nam về để chia sẻ các vấn đề về hoàn thiện, nâng cấp dự án khởi nghiệp Quảng Nam và tìm đường đưa sản phẩm ra thị trường lớn. “Còn tại Hội thảo xúc tiến đầu tư vào Quảng Nam năm 2024, chúng tôi chiếu phim tư liệu về môi trường đầu tư Quảng Nam, đồng thời tổ chức cho các khách mời thảo luận môi trường đó và tỉnh nhà cũng chia sẻ các danh mục dự án được ưu tiên đầu tư vào Quảng Nam” – ông Thanh cho biết thêm.

Tác giả: An Nhiên

Comment here