Tin Quảng NamTin tức sự kiện

Khởi nghiệp du lịch nông nghiệp: Lợi thế của Quảng Nam

Quảng Nam được xem là vùng đất “sản vật muôn màu”, đa hệ sinh thái (núi, trung du, biển), đa văn hóa (Việt, Chăm, đồng bào dân tộc thiểu số)… Sự hội tụ đa dạng như vậy là nền tảng và là lợi thế, giá trị khác biệt, nổi bật của nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện để xây dựng và phát triển mô hình du lịch nông nghiệp.
Anh Mai Chí Công (27 tuổi) khởi nghiệp với hồ sen rộng 1ha kết hợp du lịch ở thôn Nông Sơn 1, xã Điện Phước, Điện Bàn. Ảnh: C.N
Anh Mai Chí Công (27 tuổi) khởi nghiệp với hồ sen rộng 1ha kết hợp du lịch ở thôn Nông Sơn 1, xã Điện Phước, Điện Bàn. Ảnh: C.N

Phát triển du lịch nông nghiệp đã, đang và sẽ trở thành loại hình du lịch tương lai, là không gian rộng mở với nhiều tiềm năng để các nhà khởi nghiệp sáng tạo hình thành sản phẩm riêng của mình. Tính địa phương – một đặc tính cơ bản trong khởi nghiệp, tạo giá trị khác biệt trong khởi nghiệp đang được cộng đồng khởi nghiệp khai thác, phát huy hiệu quả. Nhận thức được thế mạnh của mình, trong kế hoạch hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 (ban hành theo Quyết định số 4396/QĐ-UBND, ngày 18.12.2017), Quảng Nam tập trung hỗ trợ khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên: du lịch và thực phẩm, dịch vụ ăn uống, dịch vụ nông nghiệp; nông nghiệp (bao gồm cả dược liệu); công nghệ thông tin – truyền thông và công nghiệp phụ trợ – cơ khí và tự động hóa. Các lĩnh vực đó liên quan mật thiết nhau, hỗ trợ nhau và làm nền tảng cho nhau phát triển trong thời kỳ cách mạng 4.0 và ứng dụng công nghệ làm nền tảng. Song, để tối đa lợi thế khởi nghiệp du lịch nông nghiệp Quảng Nam, ngoài cơ chế hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tính chất chung, cần hết sức quan tâm đến các vấn đề cụ thể.

Định vị và nhận diện sản phẩm thế mạnh

Để xây dựng nông thôn mới bền vững, Quảng Nam chú trọng gắn phát triển du lịch nông thôn và dựa vào nền tảng không gian sản xuất nông nghiệp. Sản phẩm nông nghiệp, nông thôn đã kết nối, làm phong phú du lịch. Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường đánh giá: “Các sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với hoạt động tham quan, trải nghiệm ở các làng quê, làng nghề nông thôn của tỉnh được nhiều địa phương quan tâm. Để thực hiện nội dung này, việc đẩy mạnh xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” – OCOP sẽ góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế du lịch nông thôn. Các nội dung này sẽ tương tác, thúc đẩy nhau cùng phát triển, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn”.

Đây là yếu tố hàng đầu, tiên quyết và đi đôi với nó cần tạo lập thương hiệu đậm chất xứ Quảng, tạo điểm nhấn để ghi dấu ấn. Hiện nay, “cái chất” thu hút du khách của làng quê xứ Quảng chưa được đầu tư để quảng bá một cách bài bản. Người quản lý du lịch và người làm du lịch chưa thật sự thấm đẫm cái hồn của góc núi, bờ sông, con đường xứ Quảng. Đơn cử, như thác nước ở Phước Xuân (Phước Sơn) trên đường Hồ Chí Minh gắn liền với sự kiện bà hoàng Môních Xihanúc cùng Quốc trưởng Nôrôđôm vì mê cảnh đẹp mà nghỉ lại ba ngày, trở thành di tích lịch sử; mà du khách chỉ thấy tấm biển chung chung “Thác nước”. Sao không ghi là “Thác bà hoàng” gắn với sự kiện trên, còn gọi “Thác nước” thì cả tỉnh này, cả nước này đếm sao cho xuể?. Bãi dâu Gò Nổi phải gắn với chuyện tình cô gái hái dâu Đoàn Quý Phi. Sông Tiên chảy ngược phải gắn với chuyện cô con gái xinh đẹp con của vị thần núi, vì thương dân làng mà khơi dòng để tốt tươi ruộng đồng… Xây dựng và phát triển dựa trên sự khác biệt về truyền thống và văn hóa như là nguồn cảm hứng và sức hấp dẫn của sản phẩm khởi nghiệp du lịch nông nghiệp, nông thôn. Khai thác sự khác biệt để bứt phá.

Du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn liền với sản vật địa phương. Điều này, hiện nay chúng ta có thuận lợi là các sản phẩm khởi nghiệp hầu hết là nền tảng cho các sản phẩm OCOP. Mà sản vật Quảng Nam thì muôn màu. Câu hỏi đơn giản đặt ra, mua gì ở xứ Quảng để làm quà, chưa có câu trả lời. Khu vực phía Bắc và Nam, sản phẩm nổi tiếng của họ có mặt tại hệ thống siêu thị và ngay tại sân bay, bến xe. Thời gian gần đây, các dự án khởi nghiệp Quảng Nam biết tạo lập, đổi mới sản phẩm riêng có của mình, như: caromi, bánh chưng, nhàu, dầu mè đen, dầu tràm, bánh dừa nướng, nước mắm Cửa Khe… song, nhìn chung chưa đổi mới về mẫu mã bao bì, chất lượng sản phẩm, xây dựng và quản lý tài sản trí tuệ. Sản phẩm khởi nghiệp, trước hết cần sử dụng công cụ pháp lý bảo vệ tài sản trí tuệ và đảm bảo chuẩn về chất lượng, trước khi nói đến mở rộng và gia tăng sản phẩm. Cần thay đổi quan niệm truyền thống “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” trong sản phẩm khởi nghiệp.

Bảo tồn không gian và tri thức bản địa

Người dân – vai trò chủ nhân quan trọng trong du lịch nông nghiệp, nông thôn

Ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh quan niệm, một nền du lịch bền vững thì người dân phải được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch của địa phương, vừa đảm bảo tính bền vững, tránh lạm dụng hoặc khai thác quá mức về công nghệ, trí tuệ nhân tạo…, tránh phát triển ồ ạt dẫn đến phá hoại môi trường thiên nhiên, thiếu bền vững. Có như thế mới tạo được giá trị đích thực của sự sáng tạo trong du lịch. Hơn thế nữa, du lịch nông nghiệp, nông thôn thúc đẩy giao lưu văn hóa, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa người dân địa phương và du khách, mở ra cơ hội để người dân Quảng Nam tự nâng cao năng lực và kỹ năng. Khởi nghiệp nông nghiệp, ngay từ đầu phải bỏ tâm lý học đòi, bắt chước, bê nguyên xi…

Ứng dụng công nghệ hiện đại để tối đa hóa và gia tăng càng nhanh sản phẩm là yêu cầu đối với sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo và phù hợp với lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, như công nghệ thông tin, tự động hóa. Song, trong khởi nghiệp du lịch nông nghiệp, nông thôn thì công nghệ truyền thống, trí thức bản địa lại là sự khác biệt để khởi nghiệp. Một sản phẩm dệt truyền thống sẽ thu hút và giá trị hơn sản phẩm dệt công nghiệp. Đây chính là sự khác biệt – nền tảng để khởi nghiệp sáng tạo.

Bảo tồn không gian du lịch xanh, du lịch nông thôn để tạo không gian cho khởi nghiệp du lịch nông nghiệp. Trước tiên, du lịch nông nghiệp, nông thôn là nội dung cơ bản trong quy hoạch nông nghiệp, nông thôn một cách đồng bộ và tổng thể, tương tác nhau, hỗ trợ nhau, làm nền tảng để phát triển chuỗi cho nhau; tránh trùng lắp, dẫm lên nhau và nguy hiểm hơn là tạo xung đột, giành giật, phá vỡ mối liên kết. Phần lớn du khách nước ngoài thích vẻ đẹp mộc mạc, bản địa khi đến du lịch Việt Nam nên du lịch nông nghiệp đang có thời cơ để “trở mình”. Ông Lê Ngọc Thuận – Chủ tịch Hội Homestay (Hiệp hội Du lịch tỉnh) cho hay: “Qua kinh nghiệm tham quan, học tập ở các nước trong khu vực có nhiều nét tương đồng với nước ta như Thái Lan hay Indonesia thì họ làm du lịch dựa rất nhiều vào thiên nhiên và cố gắng không phá vỡ các giá trị đó”. Không gian nông thôn cũng là sự khác biệt để bứt phá. Tránh tình trạng cứ nói đến du lịch homestay làng quê, thì cứ bê tông hóa từ đường làng đến nơi nghỉ ngơi; nhạc cứ inh ỏi suốt ngày làm mất sự yên tĩnh vốn có; phá vỡ cảnh quan. Mỗi làng quê, cần xác định mô hình du lịch nông thôn khác nhau, sáng tạo, như du lịch Nấm Homestay ở Đông Giang tái hiện kiểu ngủ duông của đồng bào Cơ Tu, du lịch vườn cam bản địa Tây Giang, lễ hội hoa sưa “Tháng ba mùa hoa sưa nở” Tam Kỳ.

Một vấn đề nữa là chiến lược quảng bá trọng tâm – quảng bá hạt nhân để lan tỏa trên nền tảng số hóa dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng bản đồ du lịch nông nghiệp và liên kết để phát huy tối đa sự khác biệt. Khác biệt chứ không khu biệt. Một khi đẩy mạnh quảng bá sẽ góp phần tạo nên thương hiệu du lịch nông nghiệp, nông thôn xứ Quảng và một khi liên kết mạnh sẽ làm cho du lịch nông nghiệp tương tác nhau, hỗ trợ nhau và là sản phẩm du lịch của nhau. Sáng tạo trong sản phẩm du lịch cần suy nghĩ đến việc gìn giữ nguyên gốc, nguyên sơ, chất phác chân thực của văn hóa bản địa, đó là giá trị cốt lõi của cộng đồng, không để đánh mất nó.

Quảng Nam hội tụ đủ các tiềm năng để khởi nghiệp các sản phẩm du lịch sinh thái, nông nghiệp, nông thôn phù hợp với xu thế du lịch thế giới và có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng nông thôn mới hiện nay.

PHẠM NGỌC SINH
Tác giả: