Một khảo sát mới đây từ Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, có 76% người trưởng thành cho rằng doanh nhân là một nghề được xã hội tôn trọng, 74% người trưởng thành có mong muốn trở thành doanh nhân và cứ 5 người trưởng thành ở Việt Nam thì có 1 người có kế hoạch sẽ khởi nghiệp (startup) trong 3 năm tới.
Xét theo những chỉ số này, Việt Nam là một trong những nước có tinh thần khởi nghiệp hàng đầu thế giới!
Một khảo sát khác do Đại học Technische Universitat Munchen (TUM) của Đức, Công ty Nghiên cứu thị trường GfK và Tập đoàn Amway thực hiện trong năm 2015 cũng bình chọn Việt Nam đứng thứ 7 trong 44 nước tham gia có tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới, sau Đan Mạch, Nam Phi, Thái Lan, Anh, Trung Quốc và Ấn Độ.
Đánh giá của VCCI cũng nhấn mạnh, khởi nghiệp đang trở thành phong trào, một trào lưu của kinh tế Việt Nam và nếu nói đến 8 từ của nền kinh tế Việt Nam những năm tiếp theo chính là: Chính phủ kiến tạo, toàn dân khởi nghiệp.
Nhìn lại Năm quốc gia khởi nghiệp 2016, rõ ràng chúng ta đã khơi dậy thành công tinh thần Quốc gia khởi nghiệp. Tuy nhiên, khi khởi nghiệp chỉ dừng ở phong trào, kết quả gặt hái được còn khá khiêm tốn.
Thử điểm lại những thành công của startup Việt, năm 2015, có 7 startup Việt huy động được vốn lớn từ nhà đầu tư nước ngoài như Cốc Cốc (14 triệu USD), startup Huy Việt Nam (15 triệu USD), chuỗi cà phê – nhà hàng KAfe Group (5,5 triệu USD)… Năm 2016, Ví điện tử Momo được đầu tư 28 triệu USD. Ứng dụng giải bài tập GotIt (đã từng đứng thứ 2 trên Apple Store, Mỹ) được đầu tư 9 triệu USD. Mô hình văn phòng làm việc chung Toong thu hút hơn 1 triệu USD, web đặt phòng Vntrip.vn được đầu tư 3 triệu USD…
Tên tuổi Việt Nam đã nổi lên trong làng startup thế giới với game Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông, ứng dụng học ngoại ngữ Việt Monkey Junior nhận giải thưởng quốc tế… Tạm bỏ qua một vài startup Việt sau 1 năm nhận vốn đầu tư, giờ đang lung lay và phát sinh sự cố, nhìn chung, khởi nghiệp ở Việt Nam đang trên đường phát triển.
Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào những thành công ban đầu này để khơi gợi phong trào toàn dân khởi nghiệp thì chưa đủ. Đã bắt đầu phát sinh nhiều ý tưởng và hiểu chưa đúng về phạm trù “khởi nghiệp – startup”. Startup là xu hướng chung của thế giới, bùng nổ cùng với sự hình thành của cái gọi là “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” – khi thế giới bắt đầu chịu sự ảnh hưởng rất lớn từ công nghệ. Nhìn qua nước láng giềng, Singapore đã tiến một bước dài trong trải thảm mời gọi các startup công nghệ quốc tế, để nhanh chóng biến Singapore thành “quốc gia thông minh”. Hồng Công (Trung Quốc) hay Ấn Độ cũng đang chạy đua xây dựng nền tảng cho nền kinh tế công nghệ.
Để không tụt hậu, Chính phủ đã chọn “Năm 2016 là năm quốc gia khởi nghiệp”, ban hành các ưu đãi cho doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, lập quỹ đầu tư, xây dựng các vườn ươm công nghệ… Chỉ có điều, phong trào khởi nghiệp ở nước ta chưa được định hướng rõ ràng, còn thiếu một chiến lược cấp quốc gia về xây dựng môi trường khởi nghiệp có định hướng tập trung cho nền kinh tế công nghệ. Từ đây, khái niệm nhà nhà, người người khởi nghiệp được các địa phương triển khai theo chỉ tiêu mở càng nhiều DN mới càng… có thành tích để báo cáo! Lên facebook bán hàng hay mở quán cà phê cóc… mà lập DN cũng tính là… DN khởi nghiệp. Không ít địa phương đưa vào kế hoạch năm 2017 phấn đấu có thêm từ vài ngàn đến vài chục ngàn DN mới – xem như đã hoàn thành cải thiện môi trường khởi nghiệp tốt (?!).
Một suy nghĩ cũng cần cảnh báo, đó là suy nghĩ khởi nghiệp để làm giàu. Văn hóa khởi nghiệp đang bị hiểu lệch lạc. Vì ý tưởng làm giàu nhanh và dễ như Nguyễn Hà Đông nên ngành thiết kế game đã thu hút khá nhiều sinh viên, giới trẻ mơ mình trở thành game thủ để thiết kế game và kiếm tiền nhiều như Nguyễn Hà Đông. Con số cứ 1/5 người trưởng thành muốn lập DN và làm ông chủ là điều đáng mừng, nhưng sẽ đáng lo nếu những ông chủ này non kinh nghiệm, quá nôn nóng làm giàu và thất bại. Nhìn xa hơn, chúng ta sẽ có cả triệu DN khởi nghiệp mới rời rạc, không liên kết, cạnh tranh lẫn nhau và chỉ ở mức vừa và nhỏ.
Không ít ý kiến chuyên gia đã bắt đầu cảnh báo kiểu khởi nghiệp phong trào. Có lẽ việc cần làm ngay lúc này là xác định cụ thể chiến lược, mục tiêu của “Quốc gia khởi nghiệp”, có kế hoạch phát triển khởi nghiệp, ứng dụng nền kinh tế công nghệ vào những thế mạnh của Việt Nam.
Ví dụ sẽ ưu đãi đặc biệt cho những ứng dụng công nghệ trên lĩnh vực nông nghiệp để cách mạng nền nông nghiệp Việt, tạo ra chuỗi giá trị cao cho sản phẩm nông nghiệp Việt, gia tăng giá trị xuất khẩu. Lập những nguồn đầu tư vô điều kiện cho những ứng dụng công nghệ giải quyết tắc nghẽn giao thông, kiểm soát ngập nước, quá tải đô thị, xây dựng các thành phố thông minh… và các ứng dụng phục vụ giáo dục nước nhà. Khuyến khích ý tưởng khởi nghiệp để phục vụ cái xã hội thiếu, lĩnh vực người dân Việt đang cần, từ đó mới làm giàu một cách bền vững. Cuối cùng là môi trường khởi nghiệp.
Nếu dựa vào 8 yếu tố đánh giá môi trường khởi nghiệp của một quốc gia theo tổ chức Venture Beat, đó là hệ sinh thái tài trợ, nhân tài kỹ thuật công nghệ, tư vấn tích cực, hạ tầng công nghệ, văn hóa startup, hạ tầng chính sách và pháp lý, nền tảng kinh tế và các chương trình, chính sách của Chính phủ… thì Việt Nam đều yếu và thiếu. Các vườn ươm công nghệ có mặt ở nhiều thành phố nhưng hoạt động còn nặng về hỗ trợ pháp lý, có nơi lập vườn ươm, trung tâm khởi nghiệp chỉ để thu tiền dạy cách khởi nghiệp, thu phí lập DN, phí dịch vụ tìm văn phòng cho thuê giá rẻ…
Tín hiệu đáng mừng là gần đây, một số tập đoàn đã liên kết các ngân hàng, trường đại học… thành lập những câu lạc bộ startup. Nhiều doanh nhân Việt thành công qua các câu lạc bộ startup, đã hướng dẫn kinh nghiệm khởi nghiệp cho giới trẻ, đặc biệt là thông qua đó sẽ tìm những dự án tốt để đầu tư, phát triển ước mơ startup của người trẻ Việt.
Bước vào năm mới 2017, mong sao phong trào “Toàn dân khởi nghiệp” thật sự đi vào chiều sâu, đúng ý nghĩa của tinh thần “Quốc gia khởi nghiệp”. Xin trích dẫn ý kiến của chuyên gia kinh tế Nguyễn Phi Vân – như một tâm sự đầu năm về tinh thần khởi nghiệp nước nhà: “Khởi nghiệp không nên bị giới hạn bởi việc mở ra một công việc kinh doanh để tồn tại, để khỏi phải đi làm thuê. Khởi nghiệp phải mang một sứ mệnh cao cả hơn, để người Việt, doanh nghiệp Việt, đất nước Việt Nam hội nhập và xây dựng được vị thế cạnh tranh của mình trên trường khu vực và thế giới”.
Song Đăng| Theo Sài Gòn Giải Phóng
Tác giả: