Dự án khởi nghiệpTin tức sự kiện

Lan toả giá trị du lịch từ Lò Gạch Cũ ở Duy Xuyên

Nằm cách trung tâm thành phố Hội An chừng 5km, một lò gạch cũ có vẻ ngoài hoang sơ, tọa lạc giữa cánh đồng xanh bát ngát ở thôn Vĩnh Nam, xã Duy Vinh (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) thời gian gần đây trở thành điểm check-in được nhiều người lui tới khám phá. Đây là một trong những dự án khởi nghiệp của chị Lê Thị Thanh Nga, chủ sở hữu của lò gạch cũ nổi tiếng những năm trở lại đây.

Chị Lê Thị Thanh Nga – chủ nông trại Lò Gạch Cũ. Ảnh: A.N

Là người con của xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, năm 2011, chị Nga tốt nghiệp Đại học chuyên ngành tiếng Anh và làm cho công ty thức ăn chăn nuôi. Ba năm sau chị kết hôn với anh Boonlert Kamyai (quê Thái Lan) cũng là đồng nghiệp cùng công ty của chị.

Vợ chồng chị Nga có niềm đam mê với ngành chăn nuôi nên đã xin thôi việc để về quê thuê đất chăn nuôi lợn. Mọi việc rất thuận lợi, anh chị đã gầy dựng được đàn lợn hàng trăm con nhưng không may vào năm 2018 lợn rớt giá. Đến năm 2019, dịch tả châu Phi kéo đến làm lợn chết gần hết.

Công việc của trang trại tạm dừng vì dịch. Khi đi qua thôn Vĩnh Nam, xã Duy Vinh thấy một lò gạch cũ bỏ hoang giữa đồng lúa, chi Nga lóe lên ý tưởng muốn biến nơi này thành địa điểm du lịch check-in vì kết cấu của lò gạch độc đáo và nó chỉ cách thành phố Hội An khoảng 5km.

Đầu năm 2020, chị gặp chủ lò để mua lại lò gạch, gặp chính quyền thuê lại đất khu vực xung quanh đang bỏ hoang, thành lập nông trại Lò Gạch Cũ. Nhiều người can ngăn vì nghĩ ý tưởng của chị không khả thi. Thế nhưng, chị Nga vẫn quyết tâm làm. Giữa đồng ruộng không điện, không nước sinh hoạt, chị Nga dựng được nhà tôn rộng hơn 10m2 cách lò gạch cũ hơn 100m dùng để ở. Riêng lò gạch chị để nguyên sơ, chỉ gia cố thêm sắt để người đi lên cầu thang không bị gãy, xung quanh chị lắp thêm đèn để đêm về được sáng và đẹp hơn.

Lò Gạch Cũ của chị Nga. Ảnh: A.N

Khu vực đất chị thuê người ta để hoang nhiều năm thì nay chị cải tạo lại trồng lúa tím than theo phương pháp hữu cơ, không dùng thuốc hóa học mà dùng trùn quế, phân chuồng, thuốc sinh học nên sản phẩm gạo làm ra rất an toàn. Bên cạnh đó, chị Nga kết hợp thả vịt xuống ruộng để diệt sâu bọ, ốc bươu vàng, đồng thời cải tạo hơn 1000m2 đất trồng các loại rau, củ quả. Tạo nên một hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững.

Cánh đồng chuẩn hữu cơ của chị Nga. Ảnh: A.N

Sau nửa năm khởi nghiệp với lò gạch, khu nghỉ ngơi ăn uống cho khách du lịch được hình thành, quán bán nước dựng theo kiểu nhà sàn bên đồng lúa tạo nên khung cảnh thơ mộng, khách có thể nhìn thẳng ra lò gạch, hoặc có thể men theo cầu tre tới check-in cùng lò gạch cũ.

Chị Nga đã lồng ghép thêm các hoạt động như làm đồng, câu cá, nấu các món ăn dân dã như cơm gạo tím than, trà, rượu… cho khách thưởng thức và trải nghiệm.

Khách du lịch trải nghiệm các hoạt động ở nông trại. Ảnh: A.N

“Nhiều lần về quê chồng ở Thái Lan, tôi thấy họ làm du lịch về nông nghiệp rất nhiều và thành công. Để hút khách, họ gắn với những câu chuyện khiến khách nghe và nhớ mãi. Thế nên tôi muốn dựa vào câu chuyện Chí Phèo – Thị Nở gắn với lò gạch cũ của Việt nam mình để thu hút khách. Tôi cũng trăn trở là lúc đầu nếu chỉ sửa lò gạch rồi bán nước, cà phê cũng không bền, phải có sản phẩm độc đáo để khách có thể trải nghiệm, mua về và nhớ đến mình. Vì thế, tôi đã tạo ra thêm nhiều sản phẩm từ lúa tím than, bước đầu đã mang lại thành công” – chị Nga nhớ lại.

Những ngày đầu mở của, lượng khách rất ít. Nhưng càng về sau, những bức ảnh check-in với lò gạch cũ cùng với câu chuyện Chí Phèo – Thị Nở được lan truyền. Giờ đây, nông trại Lò Gạch Cũ dần thu hút khách, trung bình mỗi ngày đón khoảng 100 khách, dịp lễ Tết từ 300 – 400 khách. Kết hợp với du lịch, chị Nga đã quảng bá, giới thiệu những sản phẩm của nông trại đến tay khách du lịch.

Nông trại thu hút nhiều lượt khách tham quan. Ảnh: A.N

Chị Nga chia sẻ: “Hiện tại doanh thu từ sản phẩm nông nghiệp chưa cao, nhưng giá cả gấp năm lần so với lúa gạo trắng. Mô hình của tôi được nhiều người đến học tập và tôi rất vui được chia sẽ cho bà con. Trong tương lại, tôi muốn liên kết với người dân ở đây sản xuất hơn 5ha lúa tím than nữa, tổ chức chợ phiên nông sản mỗi tuần một lần tại đây để quảng bá nông sản địa phương cho khách du lịch”.

Gạo tím than đạt chuẩn OCOP 3 sao của UBND tỉnh Quảng Nam. Ảnh: A.N

Hiện các sản phẩm của nông trại đều chế biến từ nguồn nguyên liệu sản xuất tại chỗ, nâng cao hiệu quả kinh tế. Sản phẩm Gạo tím than Lò Gạch Cũ đã được UBND tỉnh Quảng Nam chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Nông trại cũng được chủ tịch tỉnh công nhận ý tưởng dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh năm 2020.

 

Tác giả: An Nhiên

Comment here