Dự án khởi nghiệpTin tức sự kiện

Ứng dụng công nghệ cao trồng rau sạch, làm du lịch xanh

Để sản xuất ra những loại rau củ tươi và các sản phẩm chế biến sâu mang lại giá trị cao trên vùng đất khắc nghiệt quê mình. Chị Diệp Thị Thảo Trang (Bình Dương, Thăng Bình) đã ứng dụng công nghệ kết hợp kỹ thuật chuyển đổi xanh để sản xuất cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu. Dự án này vừa được chọn vào vòng chung kết Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo do Hội LHPN Việt Nam tổ chức.

HTX Nông nghiệp công nghệ cao Thăng Bình với diện tích 3.000 m2. Ảnh: A.N

Chị Trang và chồng là anh Nguyễn Quốc Tuấn đều tốt nghiệp Học viện Hành Chính Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi ra trường, cả hai anh chị được nhận công tác tại các đơn vị sự nghiệp nhà nước và tiếp tục theo học chương trình Thạc sĩ Quản lý Nhà nước tại Trường Học viện Chính trị – Hành Chính Quốc gia. Trong đó, Diệp Thị Thảo Trang  vào công tác trong một đơn vị nhà nước thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đóng tại Tp. Đà Nẵng, còn chồng chị công tác tại đơn vị thuộc Sở Y tế Quảng Nam.

Năm 2017, anh Nguyễn Quốc Tuấn- chồng chị là người đầu tiên từ bỏ công việc nhà nước, quyết định nghiên cứu tìm hiểu và học hỏi về mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Lâm Đồng và sau đó về công tác cho một doanh nghiệp tại Tp. Đà Nẵng thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Hai năm sau, anh thành lập công ty riêng chuyên về tư vấn – thi công hệ thống trồng rau sạch quy mô trang trại và hộ gia đình và cung cấp thực phẩm sạch.

Vợ chồng chị Trang từ bỏ công việc nhà nước để về gắn bó với nông nghiệp địa phương. Ảnh: A.N

Từ bước đệm của chồng, năm 2021, chị Trang cũng tiếp tục đưa ra quyết định táo bạo về quê khởi nghiệp với nông nghiệp sạch. Lúc này, cùng với hai vợ chồng chị Trang còn có thêm những người bạn làm kỹ sư nông nghiệp cùng chí hướng đã thành lập Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp công nghệ cao huyện Thăng Bình với thương hiệu Nông trại 43 Farm hoạt động ở lĩnh vực sản xuất rau củ quả an toàn, các sản phẩm chế biến sâu từ rau củ và dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp sạch. HTX có 7 thành viên tham gia, trong đó chị Diệp Thị Thảo Trang làm Giám đốc.

Với diện tích 3.000 m2, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Thăng Bình sử dụng 400 m2  để trồng rau quả thủy canh, diện tích còn lại trồng rau quả hữu cơ và hoa. Tất cả các sản phẩm này đều được sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, Global gap trên nền tảng ứng dụng các giải pháp công nghệ cao giúp tăng năng suất trong trồng trọt.

Chị Trang đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cảm biến IoT theo dõi chuyển biến qua internet. Ảnh: A.N

Khí hậu miền Trung rất khắc nghiệt , đặc biệt là ở vùng đất pha cát, để rau củ sinh trưởng và phát triển tươi tốt như thế này, chị Trang đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cảm biến IoT theo dõi chuyển biến qua internet. Công nghệ giúp cập nhật các dữ liệu liên quan đến độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng, độ pH cũng như nồng độ dinh dưỡng và nhiều chủ số khác…. Để dễ dàng theo dõi tình trạng môi trường và đưa ra giải pháp hữu hiệu như thiết lập thời gian tưới, thời gian chiếu sáng giúp tăng năng suất tới 200%.

“Trải qua 3 năm thì đến nay, HTX cũng đã có những kinh nghiệm và những quy trình chuẩn hoá cho việc sản xuất ra những dòng rau củ quả tươi và đạt chuẩn chất lượng an toàn, cung cấp cho người tiêu dùng. Bởi vì đặc thù của Quảng Nam là vùng khí hậu nắng nóng và khắc nghiệt, đồng thời chịu áp lực của thiên tai và bão lũ. Do vậy, yêu cầu đặt ra đối với HTX là phải có một quy trình chuẩn, sản xuất vừa đạt tiêu chuẩn sạch, đáp ứng được năng suất và cho hiệu quả cao” – Chị Trang cho biết.

Sản phẩm rau hữu cơ của chị Trang được nhiều người ưa chuộng. Ảnh: A.N

Đến nay, HTX đã xây dựng một nông trại sản xuất rau củ quả sạch theo hướng bền vững, không sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó, chuyển giao quy trình trồng cho các hộ nông dân liên kết làm thay đổi thói quen canh tác truyền thống của người dân, giúp bảo vệ môi trường đất.

Cạnh đó, đơn vị này còn tận dụng những rau củ héo úa sau khi sơ chế sẵn có, làm phân hữu cơ tại chỗ, dùng để bón cho cây trồng và tăng độ màu mỡ cho đất, nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, tiết kiệm chi phí sản xuất.

HTX đã xây dựng kỹ thuật canh tác theo hướng hữu cơ đối với 10 loại rau, củ, quả bảo đảm an toàn theo chuẩn ISO 22000-2018. Ảnh: A.N

HTX đã xây dựng kỹ thuật canh tác theo hướng hữu cơ đối với 10 loại rau, củ, quả bảo đảm an toàn theo chuẩn ISO 22000-2018. Đơn vị này cũng có 2 sản phẩm chế biến sâu là bột rắc cơm từ rau củ, bột rau xanh từ đậu hạt và rau củ.

Vừa qua, HTX cũng đã ký kết hợp tác với Cơ sở sản xuất – phân phối sản phẩm từ sen và nông sản xanh Năm Xong ở thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định về liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Tháng 6/2024, chị Trang đã đưa dự án “Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau củ quả tươi và các sản phẩm chế biến sâu từ rau củ theo hướng chuyển đổi xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu tại huyện Thăng Bình” tham gia Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo do Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Dự án đã được chọn vào vòng chung kết cấp vùng, tạo động lực để chị Trang hiện thực hoá những kế hoạch trong thời gian tới.

Tổ chức các hoạt động trải nghiệm du lịch sạch. Ảnh: A.N

Chị Trang cũng cho biết thêm: “Thông qua hoạt động trải nghiệm du lịch sạch thì tính đến nay, việc xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp tại chỗ cũng đã được triển khai bằng hình thức trong quá trình khách đến đây tham quan, du lịch, thì khách hàng, đặc biệt là du khách nước ngoài cũng quan tâm, thích thú đối với các dòng sản phẩm chế biến sâu. Cụ thể là các sản phẩm sấy. Từ đó, HTX sẽ có định hướng phát triển thêm các dòng sản phẩm này trong thời gian tới”

 

Tác giả: An Nhiên

Comment here