Tin Quảng NamTin tức sự kiện

Bảo vệ thương hiệu sâm núi Ngọc Linh

“Tình trạng sử dụng dấu hiệu “Ngọc Linh” trên các sản phẩm sâm củ và các sản phẩm sâm khác từ sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam và các tỉnh thành trong cả nước vẫn đang diễn ra tràn lan và ngày càng phổ biến. Nguy cơ báo động ảnh hưởng trực tiếp tới thương hiệu sâm núi Ngọc Linh”- ông Phạm Viết Tích- Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam cho biết.
Chiều ngày 14/8, Đoàn công tác của Bộ KH&CN đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam về khảo sát, xác minh sâm Ngọc Linh giả, đồng thời tìm biện pháp để bảo vệ thương hiệu sâm núi Ngọc Linh.

Đoàn công tác Bộ KH&CN làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh nhấn mạnh, hiện tượng giả sâm Ngọc Linh đang ngày càng phổ biến, khó kiểm soát, ảnh hưởng đến hình ảnh chất lượng sâm núi Ngọc Linh, ảnh hưởng trực tiếp đến người trồng sâm cũng như người tiêu thụ sản phẩm. Do đó, qua đợt làm việc này, tỉnh Quảng Nam mong Bộ KH&CN tạo điều kiện để tỉnh có biện pháp quản lý tốt chất lượng sâm Ngọc Linh.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Phạm Viết Tích- Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Quảng Nam cho biết, trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp, chế tài để tăng cường công tác quản lý chất lượng sâm Ngọc Linh, kiểm soát tình trạng sâm Ngọc Linh giả trôi nổi trên thị trường. Trong đó, chỉ đạo các ngành rà soát lại tất cả các quy hoạch, cơ chế chính sách hiện có về bảo tồn phát triển cây dược liệu nói chung, sâm Ngọc Linh nói riêng; thống nhất chủ trương cho huyện Nam Trà My tổ chức chợ phiên bán sâm Ngọc Linh tại trung tâm huyện 1 tháng/lần; hoàn chỉnh, tham mưu ban hành quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của tỉnh Quảng Nam; kiện toàn Hội Quế Trà My thành Hội Sâm Ngọc Linh và Quế Trà My Quảng Nam…

“Mặc dù các ngành, địa phương trong tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc phát triển sản lượng, bảo vệ chất lượng, thương hiệu sâm Ngọc Linh nhưng trong quá trình quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng sử dụng dấu hiệu “Ngọc Linh”  trên các sản phẩm sâm củ và các sản phẩm sâm khác từ sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam và các tỉnh thành trong cả nước vẫn đang diễn ra tràn lan và ngày càng phổ biến. Nguy cơ báo động ảnh hưởng trực tiếp tới thương hiệu sâm núi Ngọc Linh”- ông Phạm Viết Tích cho biết thêm.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý nói chung; đặc biệt chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ là chỉ dẫn địa lý đầu tiên ở Việt Nam có liên quan đến 02 tỉnh (Quảng Nam Kon Tum) nên công tác phát triển, quản lý còn nhiều lúng túng trong sự phối hợp giữa 02 tỉnh.

Công tác kiểm định chất lượng sâm chưa thực hiện được, hiện trên cả nước chỉ mới có 01 đơn vị kiểm định được chất lượng sâm Ngọc Linh là Trung Tâm sâm và dược liệu thành phố Hồ Chí Minh. Việc xác định, phân biệt sâm giả, sâm thật hiện nay hoàn toàn dựa vào cảm nhận chủ quan, kinh nghiệm thực tiễn của người dân và một số cán bộ, chuyên gia có kinh nghiệm.

Đồng thời, do quy định về chức năng, nhiệm vụ của các ngành còn chồng chéo nên chưa phân định được rõ trách nhiệm của các đơn vị trong các khâu như: truy xuất nguồn gốc xuất xứ, kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường…Ngoài ra, công tác thông tin, giúp người tiêu dùng phân biệt về sản phẩm sâm Ngọc Linh chưa được triển khai đồng bộ, rộng rãi trên cả nước.

Những vườn sâm trên núi Ngọc Linh, huyện Nam Trà My

Bàn về phương hướng, biện pháp tăng cường quản lý chất lượng sâm núi Ngọc Linh, ông Hồ Quang Bửu- Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: Về tình hình sâm giả tràn lan trên thị trường đang làm ảnh hưởng trầm trọng tới thương hiệu sâm Ngọc Linh. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên là sau khi sâm củ Ngọc Linh được bảo và hộ chỉ dẫn địa lý và được công nhận là sản phẩm quốc gia; những giá trị về chất lượng sâm Ngọc Linh được thông tin, phổ biến rộng rãi hơn; số lượng người quan tâm và mong muốn sử dụng sâm Ngọc Linh tăng lên nhanh chóng trong khi đó công tác phát triển giống sâm gốc chưa đáp ứng nhu cầu nên việc mở rộng diện tích vùng sâm còn chậm, dẫn đến số lượng sản phẩm sâm cung cấp trên thị trường còn ít; đồng thời giá sản phẩm sâm tăng lên nhanh chóng dẫn đến tình trạng sâm giả trên thị trường.

Theo ông Hồ Quang Bửu, để bảo vệ thương hiệu sâm núi Ngọc Linh, trước hết cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sâm. Trong đó, làm cho mọi người biết đến sâm Ngọc Linh là thương hiệu sản phẩm quốc gia; tuyên truyền đến người dân trong vùng trồng sâm phải trồng sâm gốc, đảm bảo chất lượng; các doanh nghiệp không sản xuất sâm giả, không tiêu thụ sâm giả.

Song song với đó, cần có sự vào cuộc mãnh mẽ của các cơ quan như quản lý thị trường, công an…Nâng cao chế tài xử phạt đối với hành vi sản xuất tiêu thụ sâm giả; hỗ trợ cho doanh nghiệp kiểm nghiệm chất lượng sâm.

Đồng thời nghiên cứu đề tài di thực sâm do nhà nước cung cấp nguồn giống cho người trồng; có dự án phát triển sản phẩm từ sâm Ngọc Linh  như mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm…; ban hành cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia phát triển sâm ( đất, thuế, vốn, lao động…)…

Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Như Quỳnh – Phó Chánh thanh tra, Trưởng đoàn công tác Bộ KH&CN cũng thống nhất cao với các kiến nghị của Quảng Nam đề ra. Bà Nguyễn Như Quỳnh cho biết: Hiện rất ít người biết đến sâm Ngọc Linh là sản phẩm quốc gia, do vậy việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền là giải pháp tiên quyết. Sau buổi làm việc này, cùng với chuyến khảo sát, kiểm tra tại huyện Nam Trà My, đoàn sẽ có báo cáo tổng hợp lên Bộ KH&CN để sớm có giải pháp, hướng dẫn tỉnh có biện pháp tăng cường bảo vệ chất lượng sâm núi Ngọc Linh, ngăn chặn tình trạng sâm giả trên thị trường.

Thúy Hằng: http://www.quangnam.gov.vn